QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sắc màu cổ phiếu

Những cung bậc cảm xúc của nhà đầu tư trong giai đoạn 2020 – 2022 đã thăng – giáng rất nhanh và mạnh theo diễn biến đặc biệt của thị trường cổ phiếu. Điểm thú vị là sự thăng – giáng ấy đã làm phơi bày nhiều “bộ mặt” trên thị trường mà trước đây ít có dịp để nhận ra một cách đầy đủ và rõ nét.

1. “Tôi có một người bạn là kỹ sư xây dựng, chuẩn bị nghỉ việc để chuyên tâm đầu tư chứng khoán. Với NAV (giá trị tài sản ròng) khá lớn nhờ tiềm lực tài chính từ gia đình, huy động thêm từ bên ngoài cộng thêm nguồn lực từ margin, không đến mức nhân đôi, nhân ba tài khoản nhưng năm Tân Sửu 2021 cũng đủ đem về cho người này 2 chiếc ô tô nhờ rút một phần tiền lãi từ đầu tư chứng khoán”.

Câu chuyện trên được tôi chia sẻ trong số tạp chí Xuân năm ngoái. Qua Tết, bạn tôi chính thức nghỉ việc. Nhưng những sóng gió quá lớn trên thị trường cổ phiếu kể từ quý II/2022 đã cuốn phăng lợi nhuận năm trước đó, thậm chí khiến bạn tôi thua lỗ khá nặng và quyết định… đi làm trở lại.

Nhìn lại, những cung bậc cảm xúc của nhà đầu tư trong giai đoạn 2020 – 2022 đã thăng – giáng rất nhanh và mạnh theo diễn biến đặc biệt của thị trường cổ phiếu, khi VN-Index giảm từ khoảng hơn 900 điểm xuống chỉ còn 660 điểm trong thời kỳ đầu của đại dịch, sau đó tăng phi mã lên trên 1.500 điểm rồi lại lao dốc có lúc xuống dưới 900 điểm, tức là còn khốc liệt hơn cả thời kỳ đầu của đại dịch.

Điểm thú vị là sự thăng – giáng nhanh và mạnh ấy đã làm phơi bày nhiều “bộ mặt” trên thị trường cổ phiếu mà trước đây ít có dịp để nhận ra một cách đầy đủ và rõ nét. Đó có thể là những nhà đầu cơ giá lên tràn đầy lạc quan vào triển vọng thị trường hay những nhà đầu cơ giá xuống kiếm bộn tiền từ “short” phái sinh, cũng có những người tựa như “sói già” dùng trò gian lận để thao túng giá cổ phiếu hoặc những nhà đầu tư “một lòng” nắm giữ danh mục kể cả khi giá cổ phiếu lao dốc rất nhanh với hy vọng rằng rồi cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại…

Trong đầu tư cổ phiếu, tồn tại những thuật ngữ rất thú vị liên quan đến thói quen, cách ứng xử của các nhà đầu tư trong những hoàn cảnh khác nhau. Vốn dĩ nhà đầu tư đã quá quen với thuật ngữ thị trường “bò tót” (bull market) biểu trưng cho thị trường giá lên và thuật ngữ thị trường “gấu” (bear market) biểu trưng cho thị trường giá xuống. Các thuật ngữ này xuất phát từ sự ví von nhà đầu tư với các loài vật, con bò tót tượng trưng cho nhà đầu tư lạc quan về triển vọng tương lai của thị trường cổ phiếu trong khi con gấu tượng trưng cho những nhà đầu tư tin chắc rằng thị trường đang hướng tới một sự sụp đổ.

Bên cạnh bò tót và gấu, còn có tới 9 con vật thường xuyên được sử dụng để ví von với nhà đầu tư, bao gồm: Thỏ, rùa, lợn, đà điểu, gà, cừu, cá voi, hươu đực, chó sói.

Con thỏ được sử dụng để mô tả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian rất ngắn, có thể chỉ lướt đủ T+. Họ chỉ tập trung đầu cơ, kiếm lợi nhuận nhanh nhất có thể và không muốn gánh rủi ro dài hạn.

Đối lập với thỏ là rùa. Con rùa ám chỉ những nhà đầu tư mua chậm, bán chậm và đầu tư trong thời gian dài, cố gắng tạo ra lượng giao dịch ít nhất có thể. Những nhà đầu tư này không bận tâm đến những biến động ngắn hạn mà chỉ tập trung vào lợi nhuận trong dài hạn.

Trong giới đầu tư, có một câu nói khá nổi tiếng là: “Bò kiếm tiền, gấu kiếm tiền còn lợn thì bị giết thịt”. Ý là giá cổ phiếu lên có người kiếm được tiền, giá cổ phiếu xuống cũng có người kiếm được tiền (ví dụ bằng cách short phái sinh), nhưng có những nhà đầu tư thường xuyên bị mất tiền, được ví như hình tượng con lợn bị giết thịt. Đây là những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn, lại sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, tham lam và dễ xúc động, không kiểm soát được cảm xúc, cũng không thực hiện bất kỳ loại phân tích nào mà chủ yếu giao dịch theo cảm tính, giao dịch theo các “mẹo” nên rất hay thua lỗ.

Một loại nhà đầu tư nữa khá phổ biến trong giai đoạn thị trường lao dốc vừa qua, được ví như đà điểu, “vùi đầu vào cát” khi thị trường xấu với hy vọng rằng danh mục đầu tư của họ sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù có phần trốn tránh sự sợ hãi nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, thật sự họ đã “về bờ” sau khoảng thời gian thường là tương đối dài, thậm chí giá cổ phiếu tiếp tục tăng trưởng.

Cũng là sợ hãi rủi ro nhưng có những nhà đầu tư chọn cách không tham gia thị trường cổ phiếu nữa mà tìm đến các kênh đầu tư ít rủi ro, ít biến động hơn như gửi ngân hàng, mua trái phiếu… Những nhà đầu tư này được ví như hình tượng con gà.

Còn con cừu là hình tượng của những nhà đầu tư theo bầy đàn, đứng về phía số đông hoặc đi theo một người mà họ tin tưởng. Họ không quan tâm đến việc phát triển các phương pháp đầu tư của riêng mình. Nhiều người trong số này thường xuyên là những người cuối cùng bước vào thị trường giá lên và là người cuối cùng bước ra khỏi thị trường giá xuống, nên nhiều thời điểm rơi vào tình trạng “mua đỉnh, bán đáy”.

Một hình tượng khác chỉ những nhà đầu tư rất quan trọng, đóng vai trò tạo lập trên thị trường, đó là cá voi. Đây là những nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng (NAV) rất lớn, mỗi giao dịch của họ đều có tác động đáng kể đến giá cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư chọn cách đi theo những “con cá voi” này để kiếm tiền trên thị trường cổ phiếu.

Với hình tượng con hươu đực, đây là con vật ám chỉ những nhà đầu tư luôn luôn tìm cơ hội kiếm tiền bất kể họ đang trong thị trường giá lên hay thị trường giá xuống. Họ có thể tham gia vào các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bán chúng với giá hời khi cổ phiếu được niêm yết; hoặc cũng có thể họ tham gia các giao dịch mua cổ phiếu kèm cam kết được mua lại với tỷ suất sinh lời nhất định.

Hình tượng cuối cùng, hết sức phổ biến qua bộ phim “sói già Phố Wall”, đó là con sói. Con vật này ám chỉ những nhà đầu tư có thể bất chấp đạo đức miễn là kiếm được tiền từ thị trường cổ phiếu. Họ sẵn sàng thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, thao túng giá cổ phiếu.

Có lẽ, mỗi nhà đầu tư đều nhìn thấy hình tượng của bản thân trong những hình tượng con vật trên. Thậm chí với những nhà đầu tư “F0” như trường hợp của bạn tôi, vì đang trong quá trình định hình phương pháp đầu tư nên hình tượng cũng “thay đổi xoành xoạch”.

2. Trong lá thư thường niên gửi cổ đông của Berkshire Hathaway vào năm 1992, huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã nhắc tới một câu đố mà ông không thể nào quên kể từ khi lần đầu tiên đọc được nó: “Nếu bạn gọi đuôi của một con chó là chân, vậy con chó đó sẽ có mấy cái chân?”.

Đây là câu đố bất hủ của một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ: Abraham Lincoln. Nhưng nó có liên quan gì đến việc đầu tư cổ phiếu?

Tỷ phú Warren Buffett giải thích: “Đáp án mà ngài Abraham Lincoln đưa ra là: Bốn cái chân. Dù bạn có gọi đuôi của con chó là chân thì con chó vẫn chỉ có bốn cái chân. Sự thay đổi tên gọi không thể biến cái đuôi thành cái chân thực thụ”.

Trong đầu tư cũng vậy. Đừng bao giờ dễ dàng tin tưởng chỉ dựa trên một nguồn thông tin, thay vào đó, phải bỏ công tìm hiểu, tham khảo nhiều nguồn, đặt nó trong một bối cảnh khách quan mà phân tích để tìm ra sự thật thì mới đi đến được quyết định đầu tư đúng đắn, bất kể đó là nhà đầu tư nào, áp dụng theo phong cách đầu tư nào, giống hình tượng con vật nào. Sự khác nhau giữa các nhà đầu tư khi đối diện sự thật đó là tiếp theo sẽ hành động theo hướng nào, nếu đó là cơ hội hấp dẫn ngắn hạn thì dù kèm rủi ro nhưng rất có thể nhà đầu tư theo hình tượng con thỏ sẽ quyết định tham gia, trong khi nhà đầu tư theo hình tượng con rùa sẽ bỏ qua nó.

3. Nhà đầu tư cần phương pháp đầu tư phù hợp, nhưng phương pháp đó lại phải đặt vào thị trường nơi mà nó áp dụng. Hiện nay, đầy rẫy trên thị trường các cuốn sách dạy phương pháp đầu tư nhưng khi áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư loay hoay và nghi ngờ rằng phương pháp đó… không đúng. Rõ ràng, việc tỷ phú Warren Buffett đặt cược vào nền kinh tế Mỹ – vốn có vị thế số 1 trên thế giới, có sức cạnh tranh cao và sức sáng tạo hàng đầu, không đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư Việt Nam cũng nên đặt cược y như vậy vào nền kinh tế nước nhà, không phải bởi vì Việt Nam có ít tiềm năng phát triển mà bởi vì mức độ rủi ro giữa 2 nền kinh tế là rất khác biệt.

Một người thầy của tôi thừa nhận rằng việc đoán trước diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ ít sai số hơn nhiều so với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này là thật bởi thầy tôi thường xuyên công bố các dự đoán, quan điểm về thị trường. Với người khác, có thể họ lại đoán trước được diễn biến thị trường Việt Nam tốt hơn là thị trường Mỹ.

Có vài đặc điểm đặc thù của thị trường cổ phiếu Việt Nam mà nhà đầu tư cần lưu ý. Thứ nhất, thị trường Việt Nam nặng tính đầu cơ. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức xếp hạng quốc tế vẫn xếp Việt Nam vào nhóm thị trường “cận biên” bất chấp những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ trong việc nâng hạng thị trường lên “mới nổi”, trong bối cảnh các tiêu chí định lượng hầu hết đã được đáp ứng. Ở các thị trường “cận biên”, việc dự đoán xu hướng gặp nhiều khó khăn do tính bất định cao của các biến số kinh tế, do đó, hành vi mua bán cũng thiên về đầu cơ nhiều hơn. Ở bất kỳ thị trường nào thì việc quản trị rủi ro cũng là quan trọng, nhưng với một thị trường nặng tính đầu cơ, việc quản trị rủi ro chắc hẳn phải là điều quan trọng nhất.

Điểm đặc thù thứ hai là thị trường cổ phiếu Việt Nam thường bị chi phối bởi dòng tiền của chủ doanh nghiệp.

Tôi có một người chị là chủ của một doanh nghiệp nhỏ dưới 20 nhân viên. Chị là “F0” chính hiệu, tham gia giao dịch cổ phiếu kể từ cú sập hồi đầu đại dịch với số vốn không nhỏ nhưng cũng không phải quá lớn. Chị mua đi, bán lại trong “uptrend” và nhân 3 tài khoản, rút phần lớn tiền ra trước khi thị trường lao dốc không phanh từ vùng đỉnh 1.500 điểm. Chính chị cũng không hiểu vì sao chị lại đạt được thành quả như vậy, nhiều người cho rằng đó là may mắn. Tháng 11/2022, chị trở lại thị trường sau khi VN-Index nhúng xuống dưới 900 điểm, lãi 35% chỉ sau 2 tuần và đã chốt lời, rồi tiếp tục lướt và lãi thêm.

Trước đây, tôi tham gia thị trường với tâm thế của nhà đầu tư nhỏ lẻ, tập trung vào phân tích xu hướng thị trường, tìm cách chọn cổ phiếu tốt, nhưng rốt cuộc không thực sự hiệu quả, nhất là khi phải trải qua 2 đợt lao dốc hồi năm 2018 và 2020. Sau này, khi tiếp xúc và học hỏi từ những người trực tiếp quản lý tiền bạc cho các chủ doanh nghiệp lớn, cá nhân tôi mới “vỡ” ra rằng: dòng tiền chi phối thị trường chứng khoán Việt Nam là dòng tiền của chủ doanh nghiệp. Chị tôi dù là chủ doanh nghiệp nhỏ nhưng thực ra, tư duy và trạng thái thanh khoản, trạng thái dòng tiền cũng có xu hướng giống như các chủ doanh nghiệp khác (bao gồm cả những chủ doanh nghiệp lớn), do đó thời điểm vào – ra thị trường (timing) cũng có xu hướng giống nhau. Trong đầu tư, nhất là ở những thị trường nặng tính đầu cơ, yếu tố timing là cực kỳ quan trọng quyết định thành quả đầu tư.

Chuyển đổi từ tư duy của một nhà đầu tư nhỏ lẻ sang tư duy của chủ doanh nghiệp là điều cần thiết khi tham gia vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Ngược lại, với những người chủ doanh nghiệp, nếu họ quá “say sưa” với thành quả đầu tư đạt được, dồn tiền vào đầu tư cổ phiếu mà bỏ bê hoạt động kinh doanh thì khi đó, không khác gì họ đang chuyển từ tư duy của chủ doanh nghiệp về tư duy của một nhà đầu tư nhỏ lẻ, lúc ấy thời điểm vào – ra thị trường có thể không còn đúng nữa.

Điểm đặc thù thứ ba là thị trường cổ phiếu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào diễn biến thanh khoản trên hệ thống ngân hàng.

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới có sự đa dạng trong các kênh dẫn vốn, tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng sau hơn 70 năm thành lập vẫn đóng vai trò “xương sống” trong nền kinh tế Việt Nam, trong khi đó, thị trường cổ phiếu còn nhiều hạn chế và chưa dẫn được vốn lớn, thị trường trái phiếu thì hạ nhiệt nhanh chóng sau vài năm tăng “nóng”. Đây là đặc điểm cần lưu ý khi phân tích liên thị trường, trong đó, lãi suất ngân hàng là biến số quan trọng, bởi nó không chỉ phản ánh trạng thái thanh khoản của các ngân hàng mà còn phản ánh trạng thái thanh khoản của cả nền kinh tế.

Rốt cuộc, cái mà người sở hữu cổ phiếu cần vẫn là tiền và họ sẽ cầm cố hoặc bán cổ phiếu khi họ cần tiền. Vì thế, nếu thanh khoản của nền kinh tế bị ảnh hưởng ở đâu đó, cổ phiếu sẽ chịu áp lực bán ra.

Theo Tùng Lâm/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/sac-mau-co-phieu-20180504224279945.htm