QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sản lượng cá tra, tôm giảm mạnh, nguy cơ cao thiếu nguyên liệu

Ngày 12/10, Tổng cục Thống kê công bố những phân tích sâu hơn về tình hình kinh tế vĩ mô quý 3 và 9 tháng, sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước quý 3 giảm 8,8%, trong đó cá tra giảm gần 20% và tôm giảm 5,2%.

Theo đó, trong mức giảm sâu của GDP quý 3/2021, khu vực dịch vụ “chìm” sâu hơn cả, giảm tới 9,28%. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%. Chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng dương 1,04%.

Dù ngành thủy sản tuy tăng trưởng nhưng ở mức thấp (+1,04%) do ảnh hưởng giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước quý 3 giảm 8,8%, trong đó cá tra giảm gần 20% và tôm giảm 5,2%. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 90% sản lượng cá tra và tôm nước lợ.

Ảnh minh họa

Sản lượng cá tra thu hoạch đạt 932.000 tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9%, đặc biệt tháng 9 giảm đến 70% so với cùng kỳ.

Khi đại dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải lựa chọn phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” làm ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết trước đó.

Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể do kiệt quệ, không đủ lực để chống chịu dịch bệnh kéo dài. Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, trì hoãn việc sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn.

Nguy cơ cao ngành cá tra sẽ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu vào cuối năm nay và đầu năm 2022.

Xuất khẩu cá tra cũng giảm mạnh, nhưng không phải do thị trường tiêu thụ giảm, mà do các doanh nghiệp chế biến cá tra tại khu vực ĐBSCL giảm công suất sản xuất khi đang trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Trước đó, Việt Nam và Ấn Độ tăng tốc xuất khẩu tôm sang Mỹ. Theo trang Seafoodsource, trong tháng 8, Mỹ nhập khẩu 89 nghìn tấn tôm trong tháng 8 vừa qua, tăng 8,5% so với tháng 8/2020. Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 567 nghìn tấn, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Việt Nam và Ấn Độ, hai nguồn cung tôm lớn xuất cho Mỹ đều đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm. Cụ thể, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 13 nghìn tấn, tăng 45% so với tháng 7 và tăng 1,5 lần so với tháng 8/2020.

Tương tự, trong tháng 8, xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Mỹ đạt 36 nghìn tấn, tăng 23% so với tháng 7 và tăng 16% so với tháng 8/2020.

Hai quốc gia này góp phần làm tăng tổng lượng nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 8. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu tôm ở Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa thể vượt qua Ecuador.

Trong tháng 8, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ đạt 16 nghìn tấn, vẫn ổn định so với tháng 8/2020. Song, tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ đạt 124 nghìn tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới đang tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như Mỹ, EU.

Nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel và đón năm mới, nhất là nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng được ký rất nhiều, chỉ lo sản xuất không đủ để đáp ứng. Như vậy, cơ hội cho Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm 2021 là rất lớn.

Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, cần kịp thời tháo gỡ khó để ngành tôm khôi phục chế biến và xuất khẩu.

Theo Thanh Hằng/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/san-luong-ca-tra-tom-giam-manh-nguy-co-cao-thieu-nguyen-lieu-103774.html