QC 1
Thứ 2, ngày 04/11/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sản xuất điện gặp khó, EVN lại lỗ hơn 34.000 tỷ đồng trong năm 2023

Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho thấy tổng chi phí sản xuất điện của EVN tăng 2,79% so với năm 2022. Mức lỗ trong hoạt động kinh doanh điện tiếp tục kéo dài, bất chấp những nỗ lực điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Ngày 10/10, Bộ Công Thương chính thức công bố kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu này được tổng hợp sau quá trình kiểm tra chi phí thực tế sản xuất điện năm 2022 của EVN, đóng vai trò là cơ sở để Bộ và EVN tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới.

EVN có năm thứ hai liên tiếp lỗ nặng trong hoạt động kinh doanh điện

Theo đó, tổng chi phí sản xuất của EVN năm 2023 đạt hơn 528.600 tỷ đồng, tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Các khoản thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, vật tư thu hồi, và thu từ cho thuê cột điện cũng đã được giảm trừ trong tính toán này.

Dù giá bán lẻ điện bình quân hiện vẫn duy trì ở mức 2.006,79 đồng/kWh từ tháng 11/2023, nhưng EVN ghi nhận lỗ hơn 82,1 đồng cho mỗi kWh điện bán ra. Mức lỗ này đã giảm một nửa so với năm 2022, khi tập đoàn này lỗ tổng cộng hơn 34.245 tỷ đồng. Sau khi trừ thu nhập tài chính, số lỗ thực tế giảm còn 21.822 tỷ đồng, nhưng vẫn là năm thứ hai liên tiếp EVN chịu lỗ nặng trong hoạt động kinh doanh điện (Năm 2022, EVN cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này).

Đáng chú ý, khoản lỗ của EVN chưa bao gồm số lỗ từ chênh lệch tỷ giá được “treo” lại từ năm 2019, hiện ước tính khoảng 18.032 tỷ đồng.

Chi phí tăng, áp lực tài chính và những thách thức cho EVN

Chi phí sản xuất điện của EVN được phân chia thành 4 khâu chính: phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ và dịch vụ phụ trợ. Trong đó, chi phí phát điện là nguyên nhân chủ yếu khiến giá thành điện tăng, đạt 441.356 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2022. Chi phí phát điện hiện chiếm 83,5% tổng giá thành điện của EVN, tương ứng 1.744,12 đồng/kWh.

Các khâu còn lại bao gồm truyền tải, phân phối bán lẻ và phụ trợ có mức chi phí lần lượt là 74,61 đồng; 263,87 đồng; và 6,31 đồng mỗi kWh.

Bên cạnh đó, tiền bù giá cho chi phí sản xuất điện ở các huyện, xã đảo chưa có điện lưới quốc gia là trên 428,5 tỷ đồng.

Tổng giám đốc EVN, ông Nguyễn Anh Tuấn, từng chia sẻ rằng 2024 sẽ tiếp tục là năm khó khăn về tài chính và cung ứng điện, nếu không có thay đổi về chính sách và giá điện. Dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng thêm 7,5% trong năm 2023, nhưng doanh thu vẫn không đủ để bù đắp chi phí sản xuất, do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao.

Trong phiên chất vấn tháng 8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, có thời điểm chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán ra của EVN lên tới 208-216 đồng/kWh.

Hiện tại, EVN chiếm khoảng 37,5% nguồn điện cả nước, trong khi 62,5% còn lại phụ thuộc vào PVN, TKV và các nhà đầu tư tư nhân. Với tỷ trọng mua điện chiếm đến 82% chi phí giá thành, EVN đang gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa tài chính, khi chỉ còn khoảng 17% để điều chỉnh cho các khâu khác như truyền tải và phân phối.

Theo quyết định mới có hiệu lực từ ngày 15/5, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thay đổi. Thời gian điều chỉnh giá điện rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, đồng nghĩa với việc mỗi năm sẽ có 4 lần thay đổi giá điện. Cơ cấu biểu giá điện hiện cũng đang được Bộ Công Thương rà soát và đề xuất thay đổi để tăng tính cạnh tranh trong ngành điện.

Theo Nguyễn Thanh/Kinh tế Chứng khoán