QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sau khi “bơm” 10.500 tỷ đồng trả nợ, Thaco muốn gom 69,7 triệu cổ phiếu HNG

CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa đăng ký mua 69,7 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), tương ứng 7,86% vốn điều lệ. Cổ phiếu HNG đã tăng 200% từ thời điểm tháng 5/2018 khi xuất hiện thông tin Hoàng Anh Gia Lai được “giải cứu”…

Thaco có kế hoạch mua 35% cổ phần công ty HNG của Bầu Đức để trở thành cổ đông lớn và “giải cứu” Hoàng Anh Giai Lai 

Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương thực hiện mua cổ phiếu HNG là nằm trong thoả thuận hợp tác giữa Thaco và Hoàng Anh Gia Lai ký kết hồi tháng 8/2018. Theo đó, Thaco cam kết sẽ rót vào HAGL 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần HNG- công ty con của Tập đoàn HAGL và nắm 51% Công ty Cổ phần HAGL Land.

Đồng thời, Thaco sẽ cho HAGL vay ưu đãi 14.000 tỷ đồng, đưa tổng giá trị khoản hợp tác lên tới 20.000 tỷ đồng.

Theo thông báo, Thaco sẽ thực hiện mua 69,7 triệu cổ phiếu HNG thông qua giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua sàn HoSE. Thời gian giao dịch từ ngày 23/4 đến ngày 22/5/2019.

Sau giao dịch, Thaco sẽ trở thành cổ đông lớn sở hữu 7,86% vốn điều lệ HNG (hiện Thaco không sở hữu HNG).

Trên sàn chứng khoán phiên sáng nay 17/4, cổ phiếu HNG tăng mạnh lên 15.600 đồng/CP. Ước tính, Thaco sẽ chi ra khoảng 1.087 tỷ đồng để thực hiện mua 7,86% cổ phần HNG.

Mới đây, Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu HNG vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2018 sau kiểm toán bị âm.

Đáng chú ý, từ cuối năm 2016 cổ phiếu đã rơi thẳng đứng từ 29.000 đồng/CP xuống chỉ còn quanh mức 5.000 đồng/CP, liên tục biến động trồi sụt do tình hình kinh doanh khó khăn, lộ ra kết quả thua lỗ nghìn tỷ, nợ nần chồng chất…

Đặc biệt, tháng 4/2016, 15 tổ chức tín dụng (chủ nợ) do BIDV đứng đầu đã họp bàn và tìm cách “giải cứu” khối nợ phải trả (gồm nợ vay và trái phiếu) của HAG lên tới 27.099 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2015). Khối nợ cần tái cơ cấu đến cuối năm 2015 là hơn 12.235 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2014. Hàng loạt các ngân hàng, công ty tài chính đã cho HAGL vay vốn lớn như: BIDV, Vietcombank, Sacombank, HDbank, Eximbank, VPBank, ACB cùng các công ty chứng khoán.

Trong đó, khối nợ lớn nhất là tại Ngân hàng BIDV hiện với dư nợ đến thời điểm này hơn 10.500 tỷ đồng (gồm nợ vay và trái phiếu).

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên tháng 4/2016 của BIDV, trước chất vấn về khối nợ xấu “khủng” của HAGL khó thu hồi, ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch BIDV – trấn an cổ đông: “Các khoản vay đều có tài sản bảo đảm, nếu bán tài sản thì sẽ trả hết nợ gốc, lãi cho các ngân hàng nhưng điều gì sẽ xảy ra? Điều này bản thân các chủ nợ đều ý thức rõ, và các cơ quan hữu trách cũng khuyên nên cẩn trọng xem xét xử lý khối nợ này”. Cuối tháng 11/2018, ông Bắc Hà đã bị bắt giữ để điều tra sai phạm trong việc cho vay dự án chăn nuôi bò Bình Hà có quy mô hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án này đã được BIDV giải ngân đến cuối năm 2016 là hơn 800 tỷ đồng song vẫn dở dang nhiều năm qua.

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên là số dư nợ của HAGL tại BIDV là 10.500 tỷ đồng lại bằng số tiền mà Thaco tiết lộ đã “bơm” cho HAGL để tái cơ cấu nợ cho HNG- Công ty Nông nghiệp HAGL đang bị thua lỗ lớn.

Một điểm lạ nữa, từ tháng 5/2018 cổ phiếu HNG chạm đáy 7.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch thấp chỉ từ 500.000-700.000 cổ phiếu mỗi phiên. Nhưng từ ngày 1/6/2018, cổ phiếu HNG bất ngờ hồi phục mạnh mẽ, trải qua những phiên giao dịch sôi động, tăng trần liên tục, đã phi một mạch lên tới đỉnh 17.250 đồng/CP, tức tăng 246% chỉ trong vòng 2 tháng. Khối lượng giao dịch tăng mạnh tới vài triệu đơn vị, phiên kỷ lục khớp tới 19,5 triệu cổ phiếu HNG.

Cổ phiếu HNG đã phi một mạch tăng 246% khi thị trường lan truyền thông tin HNG sẽ được giải cứu 

Giới đầu tư khi ấy lan truyền thông tin HAG và HNG đã đạt được thoả thuận tái cơ cấu nợ và hi vọng nhất là đã có doanh nghiệp tham gia xử lý nợ hàng chục nghìn tỷ đồng. Từ đó đến nay, cổ phiếu HNG vẫn giữ mặt bằng giá mới quanh mức 15.000 đồng/CP, giúp cho các khoản nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được đảm bảo bằng cổ phiếu HNG được “đẹp” hơn trên sổ sách và đánh giá chất lượng nợ xấu tại các ngân hàng.

Hơn nữa, nếu như tới đây Thaco mua vào 69,7 triệu cổ phiếu HNG và tiến tới gom đủ 35% vốn điều lệ HNG thì khối lượng lớn HNG sẽ được sang tay cho Thaco ở mặt bằng giá cao hơn gấp đôi so với giai đoạn khủng hoảng nhất của tập đoàn này.

Thông qua việc mua cổ phiếu của Thaco thời gian tới, có khả năng các chủ nợ ngân hàng sẽ bán giải chấp được số cổ phiếu HNG đang được dùng làm tài sản bảo đảm nợ vay, để thu hồi nợ xấu, đồng thời cải thiện chỉ số tài chính đẹp hơn cho HAGL.

Còn ở góc độ Thaco, tập đoàn này sẽ trở thành cổ đông lớn của HNG với tỷ lệ sở hữu 35% vốn điều lệ HNG và có tiếng nói quan trọng tại HAGL và HNG.

Năm 2019, Công ty Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao với mục tiêu doanh thu thuần đạt  4.775 tỷ đồng, tăng 30,2% so với năm 2018, đóng góp 93% mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất của công ty mẹ CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 103 tỷ đồng, trong khi năm 2018 báo lỗ trước thuế gần 626 tỷ đồng.HAGL Agrico cũng dự kiến cây cao su trong năm 2019 sẽ cho 15.081 tấn mủ khô, mang lại doanh thu khoảng 469 tỉ đồng, đóng góp 9,8% trong cơ cấu doanh thu.

Hiện, Thaco chưa nắm giữ cổ phần HNG song vào tháng 8/2018, Thaco đã hoàn tất việc mua 221.688 trái phiếu chuyển đổi mà HNG phát hành với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tỷ lệ chuyển đổi 1:1.000 (1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu).

Thaco và một doanh nghiệp khác liên quan đến ông Trần Bá Dương là Đại Quang Minh dự kiến chi hơn 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% HNG và 51% HAGL Myanmar. Thaco còn dự tính sẽ tiếp tục đầu tư 12.000 tỷ đồng để phát triển mảng nông nghiệp của HAGL.

Tháng 9/2018, Thaco đã có 3 đại diện gồm: ông Nguyễn Hùng Minh, ông Trần Bảo Sơn tham gia vào HĐQT của HNG và ông Đặng Công Trực làm thành viên Ban kiểm soát.

 

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường