QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sau ngày tái đắc cử chức Chủ tịch Cadivi, tài sản ông Nguyễn Văn Tuấn đã bốc hơi nghìn tỷ

Cổ phiếu “họ Gelex” đã bắt đầu bị xả mạnh từ đầu tuần khi những thông tin tiêu cực liên quan tới “thao túng thị trường” và Tân Hoàng Minh bắt đầu nổi lên. Chỉ tính riêng 2 mã cổ phiếu là GEX và VIX, tài sản của vị đại gia sinh năm 1984 Nguyễn Văn Tuấn (hay còn gọi với biệt danh Tuấn “mượt”) đã “bốc hơi” tới hơn 1.530 tỷ đồng chỉ sau một tuần giao dịch.

Sáng 8/4, Công ty cổ phần Dây cáp Điện Việt Nam – Cadivi (HOSE – Mã: CAV) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 theo hình thức trực tuyến.

Đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm 5 thành viên: Ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Lê Quang Định, ông Đặng Phan Tường, ông Đỗ Duy Hưng, và ông Phan Ngọc Hiếu. Trong phiên họp đầu tiên sau đại hội, HĐQT của Cadivi cũng đã thống nhất bầu ông Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT.

Ông Tuấn sinh năm 1984, bắt đầu làm Chủ tịch Cadivi từ tháng 5/2017. Hiện nay, ông Tuấn còn nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác như:

– Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex (Mã: GEX)

– Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera (Mã: VGC)

– Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị Điện Gelex (Gelex Electric)

– Chủ tịch HĐQT CTCP Hạ tầng Gelex

– Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh S.A.S-CTAMAD (chủ đầu tư của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội)

Tại Cadivi, cá nhân ông Tuấn không sở hữu cổ phiếu CAV nào nhưng ông đại diện sở hữu gần 13,85 triệu cổ phiếu, chiếm 24% vốn điều lệ. Gelex Electric – một trong những doanh nghiệp mà ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch – đang kiểm soát tới 96,35% vốn của Cadivi.

Tại Đại hội cổ đông của Cadivi sáng 8/4 đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất là 12.079 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 526 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 50%. Biểu đồ bên dưới cho thấy mục tiêu kinh doanh năm nay là mức cao nhất trong lịch sử Cadivi.

2751-doanh-thu-cadivi
Cadivi lập kế hoạch doanh thu cao kỷ lục.

Năm 2021, Cadivi cũng lên kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 50%. Tháng 12/2021, công ty đã tạm ứng tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương đương 1.000 đồng/cp. Số cổ tức còn lại dự kiến sẽ được công ty chi trả trong quý II/2022.

Doanh thu năm 2021 ghi nhận gần 10.500 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế là 486 tỷ đồng, thực hiện 87% kế hoạch được giao do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trong dịch COVID-19.

Tài sản ông Nguyễn Văn Tuấn bốc hơi hơn 1.500 tỷ đồng sau một tuần

Ngày 08/04, hàng loạt cổ phiếu cổ phiếu thuộc “họ Gelex” nằm sàn hoặc cận sàn trong phiên mà VN-Index “bốc hơi” 20 điểm.

Trên thực tế, cổ phiếu “họ Gelex” đã bắt đầu bị xả mạnh từ đầu tuần này khi những thông tin tiêu cực liên quan tới “thao túng thị trường” và Tân Hoàng Minh bắt đầu nổi lên. So với đầu tuần (ngày 04/04), cổ phiếu GEX giảm 17%, VGC sụt 19%, IDC lao dốc 20%, VIX giảm 16% và PXL lao dốc hơn 21%.

Đây là các cổ phiếu nằm trong mạng lưới sở hữu chồng chéo của CTCP Tập đoàn Gelex – doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn. Nhóm cổ phiếu Gelex từng thu hút rất nhiều sự chú ý với những bước tăng phi mã từ tháng 10/2021 trước khi quay đầu giảm mạnh từ tháng cuối năm 2021.

Hiện tại, hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex có Viglacera (VGC), Chứng khoán VIX (VIX), Tổng Công ty IDICO (IDC), Marina Holdings (MHC), CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE), CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL)…

Như vậy, so với mức đỉnh ngày 04/04, đến nay cổ phiếu GEX đã mất tới 6.800 đồng/cp. Với gần 193,3 triệu cổ phiếu GEX (chiếm tỷ lệ 22,58%) đang sở hữu, tài sản của ông Nguyễn Văn Tuấn đã “bốc hơi” khoảng 1.300 tỷ đồng tại CTCP Tập đoàn Gelex.

Tại VIX, cổ phiếu này đã giảm 4.000 đồng/cp kể từ ngày 04 đến hết phiên 08/4. Với hơn 58 triệu cổ phiếu VIX (chiếm tỷ lệ 10,56%) đang sở hữu, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng mất tới hơn 230 tỷ đồng sau tuần giao dịch vừa qua.

Chỉ tính riêng 2 mã cổ phiếu này, tài sản của vị đại gia sinh năm 1984 Nguyễn Văn Tuấn đã mất tới 1.530 tỷ đồng chỉ sau một tuần giao dịch.

3751-co-phieu-ho-gelex
Cổ phiếu “họ Gelex” giao dịch tiêu cực từ đầu tuần và đồng loạt lao sàn trong phiên 08/4

Doanh nghiệp của CEO Nguyễn Văn Tuấn làm ăn ra sao?

Việc hợp nhất Viglcera giúp kết quả kinh doanh của Tập đoàn Gelex có sự đột biến trong năm 2021. Gelex ghi nhận doanh thu 28,762 tỷ đồng, tăng hơn 59%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Gelex năm 2021 đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 70% so với 2020 (theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021).

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tổng tài sản của Gelex năm qua có sự biến động mạnh so với năm 2020. Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 61.189 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với đầu năm. Trong số 29.803 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2021, có tới 11.533 tỷ đồng là hàng tồn kho, tăng gần 4 lần so với thời điểm đầu năm.

Mặc dù phải thu ngắn hạn giảm 20% so với đầu năm xuống còn 5.067 tỷ đồng, song tập đoàn đang phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 536 tỷ đồng, tăng gấp 2,32 lần so với đầu năm.

2918-bao-cao-tai-chinh-gelex
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của Gelex

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2021, nợ phải trả của Gelex ghi nhận hơn 40,690 tỷ đồng, tăng 115% so với 18,937 tỷ đồng cuối năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 10.831 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 23.000 tỷ đồng cuối năm 2021. Nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 8.105 tỷ đồng lên thành hơn 17.717 tỷ đồng. Hệ số nợ và hệ số nợ vay trên Tổng tài sản của Gelex năm 2021 lần lượt là 66% và 36%.

Trong đó, vay nợ ngân hàng là hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% dư nợ dài hạn của GEX. Cụ thể, dư nợ lớn nhất của công ty là khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) gần 2.900 tỷ đồng. Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) cho GELEX vay hơn lần lượt hơn 1.627 tỷ đồng; 1.090 tỷ đồng. Gelex cùng khoản vay hơn 815 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB)…. Các khoản vay dài hạn của Gelex có lãi suất từ 5%/năm đến 10,4%/năm.

So với đầu năm, vốn chủ sở hữu của Gelex cũng tăng mạnh từ mức 8.208 tỷ đồng lên 20.477 tỷ đồng vào cuối năm. Nguyên nhân là do đợt phát hành tăng vốn gần 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hồi giữa năm và phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu để trả cổ tức vào cuối năm.


Năm 2009, Nguyễn Văn Tuấn tốt nghiệp trường Đại học Thương mại với bằng Cử nhân của 2 chuyên ngành Thương mại quốc tế và Tài chính – Ngân hàng. Ông Tuấn ngồi ghế Tổng Giám đốc và trở thành thành viên HĐQT GEX từ tháng 9/2016, khi mới chỉ 32 tuổi.
“Đại gia” Nguyễn Văn Tuấn hay còn gọi với biệt danh Tuấn “mượt”Sau khi nhậm chức, ông Tuấn đã tiến hành cấu trúc lại Gelex, tập trung sản xuất kinh doanh 4 mảng chính: Sản xuất kinh doanh thiết bị điện, năng lượng, kinh doanh bất động sản và logistics. Không lâu sau đó Gelex trở thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu thiết bị điện lớn nhất Việt Nam thông qua việc M&A hàng loạt các doanh nghiệp.Sau đó, ông Tuấn cũng đảm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch HĐQT tại các công ty thành viên của GEX. Theo đó, từ năm 2017 đến nay ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dây Cáp điện Việt Nam – Cadivi (CAV), Phó Chủ tịch Công ty TNHH S.A.S CTAMAD. Năm 2019, ông Tuấn tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Viglacera sau khi nhóm cổ đông GEX thâu tóm doanh nghiệp này và ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị điện Gelex. Ngoài ra, ông Tuấn còn là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hạ tầng Fecon.Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex khá đa dạng, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn hiện chỉ trực tiếp nắm giữ cổ phiếu tại 2 doanh nghiệp là Chứng khoán VIX và Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX).Mặc dù vậy, 2 mã cổ phiếu này cũng đang giúp vị doanh nhân này lọt Top danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện khối tài sản của ông Nguyễn Văn Tuấn trên sàn giao dịch chứng khoán lên tới hơn 8.400 tỷ đồng

Theo Nguyễn Thanh/Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/sau-ngay-tai-dac-cu-chuc-chu-tich-cadivi-tai-san-ong-nguyen-van-tuan-da-boc-hoi-nghin-ty-113106.html