QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

SHS: Nếu lực bán quay trở lại, VN-Index có thể sẽ test lại vùng hỗ trợ trong khoảng 1.375-1.380 điểm

Công ty chứng khoán SHS cho biết, với việc kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.375-1.380 điểm thì khả năng để VN-Index hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm là vẫn còn trong nhịp tăng này. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán quay trở lại thì VN-Index có khả năng sẽ test lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.375-1.380 điểm.

Thị trường tăng điểm tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản cũng được cải thiện. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 19,97 điểm (+1,5%) lên 1.392,7 điểm; HNX-Index tăng 12,92 điểm (+3,5%) lên 384,84 điểm.

Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 24.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 8,5% lên 107.995 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 9,8% lên 3.663 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 3,1% xuống 12.810 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 7,3% xuống 564 triệu cổ phiếu.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Nhóm nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 3,6% với các cổ phiếu trụ cột trong nhóm như HPG (+2,9%), HSG (+4,4%), NKG (+7,6%)… Tiếp theo là nhóm ngân hàng với mức tăng 2,2% với các cổ phiếu như CTG (+4,1%), BID (+0,8%), VPB (+4,5%), TCB (+3,7%), MBB (+2,5%), ACB (+2,4%)…

Ngành dịch vụ tiêu dùng và ngành tài chính với cùng mức tăng 1,7% giá trị vốn hoá với các cổ phiếu thuộc ngành con hàng không như VJC (+2,2%), SCS (+1,4%)…, bán lẻ như MWG (+2,8%)…; bất động sản như VIC (+3,6%)…, chứng khoán như HCM (+2,%), VCI (+1,3%), VND (+0,4%), SHS (+1,3%)… Ngành công nghiệp tăng 1,1 % với các cổ phiếu. Các ngành tăng còn lại là dầu khí (+0,3%), công nghiệp (+1,1%), công nghệ thông tin (+0,7%)…

Ở chiều ngược lại, ngành dược phẩm và y tế (-0,7%) và hàng tiêu dùng (-0,3%) giảm nhẹ.

Hình minh họa

Về giao dịch khối ngoại, tương tự như các tuần trước đó, NĐT nước ngoài vẫn là điểm tiêu cực của thị trường. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 191 triệu cổ phiếu, trị giá 8.214 tỷ đồng, trong khi bán ra 225,5 triệu cổ phiếu, trị giá 11.598 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 34,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.384 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 10 liên tiếp với giá trị giảm 32% so với tuần trước đó và ở mức 692 tỷ đồng. Đây cũng là tuần có giá trị bán ròng thấp nhất của khối ngoại trong 10 tuần qua. Tính tổng cộng, dòng vốn ngoại đã bán ròng 20.689 tỷ đồng. Nếu tính về giao dịch khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 1.216 tỷ đồng ở tuần từ 11-15/10, giảm 38% so với tuần trước.

HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị ở mức gần 393 tỷ đồng. Tiếp sau đó, PAN và SSI bị bán ròng lần lượt 349 tỷ đồng và 282 tỷ đồng. Các mã như KBC, MSN, SBT, VND, VNM hay GMD đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FMC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 487 tỷ đồng và chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại sàn HoSE là VRE với 279 tỷ đồng. DPM, HSG, MBB và HAH đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại khối ngoại cũng có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị gấp 4,3 lần tuần trước và ở mức gần 63 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 942.874 cổ phiếu. Khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh nhất mã SHS với hơn 100 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là TNG với 38 tỷ đồng. THD và PVS bị bán ròng lần lượt 20 tỷ đồng và 6,7 tỷ đồng. Trong khi đó, PVI được mua ròng mạnh nhất với 82 tỷ đồng. BCC đứng sau với giá trị mua ròng là 15 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng kỷ lục 2.629 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 24,2 triệu cổ phiếu. Việc khối ngoại sàn UPCoM bán ròng đột biến như trên chủ yếu do giao dịch thỏa thuận đến từ cổ phiếu MML. Trong đó, MML bị bán ròng tổng cộng 2.548 tỷ đồng và hầu hết thông qua thỏa thuận. QNS đứng thứ 2 về giá trị bán ròng của khối ngoại sàn UPCoM với 60 tỷ đồng. VEA và VTP bị bán ròng lần lượt 21 tỷ đồng và 18 tỷ đồng. Trong khi đó, ACV được mua ròng mạnh nhất những giá trị chỉ là 7,3 tỷ đồng. BSR và VGG cũng được mua ròng lần lượt 5,8 tỷ đồng và 3,9 tỷ đồng.

Theo Công ty chứng khoán SHS, thị trường duy trì được đà tăng sang tuần thứ hai liên tiếp với diễn biến tăng mạnh trong phiên đầu tuần và rung lắc trong các phiên còn lại khi mà VN-Index tiến gần đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm.

Thanh khoản trong tuần qua gia tăng và vượt lên trên mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền có sự quay trở lại thị trường nhưng bên mua và bên bán đang khá giằng co ở vùng giá hiện tại. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với gần 800 tỷ đồng trên hai sàn đã tạo ra thêm áp lực lên thị trường.

Tuy nhiên, với việc kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.375-1.380 điểm thì khả năng để VN-Index hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm là vẫn còn trong nhịp tăng này. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán quay trở lại thì VN-Index có khả năng sẽ test lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.375-1.380 điểm.

SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 18/10-22/10, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng tới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.400 điểm và diễn biến tại đây sẽ xác nhận xu hướng tiếp theo của thị trường.

Theo Tân An/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/shs-neu-luc-ban-quay-tro-lai-vn-index-co-the-se-test-lai-vung-ho-tro-trong-khoang-1375-1380-diem-103955.html