QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

So găng lợi nhuận 5 “ông lớn” bảo hiểm năm 2022: Prudential dẫn đầu, Manulife gây bất ngờ lớn

Thống kế cho thấy, TOP 5 doanh nghiệp dẫn đầu về mảng bảo hiểm nhân thọ, Prudential và Manulife Việt Nam là hai cái tên có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến trong năm 2022.

Lợi nhuận ngàn tỷ

Báo cáo cập nhật về ngành bảo hiểm của công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết giai đoạn 2015 – 2022, thị phần doanh thu Top 5 dẫn đầu mảng bảo hiểm nhân thọ gồm Bảo Việt, Dai-ichi Life, Prudential, Manulife và AIA duy trì khá ổn định khi vị thế Top 5 vẫn duy trì khoảng cách xa so với phần còn lại.

Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính năm 2022 của các doanh nghiệp trên cho thấy, năm 2022, Prudental Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu với 3.637 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 8,7 cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2022 của công ty bảo hiểm này lên cũng lên tới 12.377 tỷ đồng.

Theo sau đó là Dai-ichi Life – công ty bảo hiểm có lợi nhuận cao nhất năm 2021. Tuy nhiên, trong năm 2022, Dai-ichi Life không duy trì được vị trí của mình với lợi nhuận trước thuế giảm 200 tỷ đồng xuống còn 3.304 tỷ đồng. Lãi sau thuế 2022 đạt 2.646 tỷ đồng.

Manulife Việt Nam cũng gây bất ngờ khi có lãi trước thuế 3.251 tỷ đồng và sau thuế là 2.562 tỷ đồng trong năm 2022. Cùng kỳ năm 2021, công ty báo lỗ trước thuế tới 5.927 tỷ và sau thuế lỗ 4.742 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, tổng tài sản của Manulife Việt Nam đạt hơn 106.378 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần kể từ cuối năm 2017. Quy mô tổng tài sản của Manulife Việt Nam bỏ xa nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, như MIG (8.545 tỷ đồng), PVI (26.123 tỷ đồng).

Tại 31/12/2022, Manulife Việt Nam cho biết có 1.153 nhân viên, tăng 154 nhân viên so với cuối năm 2021. Chi phí lương phát sinh trong năm 2022 là hơn 1.133 tỷ đồng, tức bình quân 1 tỷ đồng/người và tương đương 81,9 triệu đồng/người/tháng.

Về AIA Việt Nam và Bảo Việt Nhân thọ (Baoviet Life), hai công ty bảo hiểm này đều duy trì lợi nhuận tăng trưởng ổn định trong năm 2022. Cụ thể, AIA báo lợi nhuận trước thuế năm vừa qua đạt 1.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Bảo Việt cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 11,4% từ 875 tỷ đồng lên 975 tỷ đồng trong năm 2022.

Bancassurance liên tục nở rộ

Việc hợp tác với các ngân hàng để phân phối bảo hiểm (Bancassurance) những năm gần đây là một trong những yếu tố thúc đẩy kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh mẽ.

Được biết, hiện Prudential là đối tác phân phối độc quyền bảo hiểm thông qua những ngân hàng như MSB, SeABank, VIB. Trong khi đó, Dai-ichi Life có mối hợp tác với SHB, Sacombank. Manulife cũng có thỏa thuận với Techcombank, VietinBank. AIA là đối tác của VPBank, OCB.

Năm 2022, Manulife Việt Nam chi phí lương bình quân 1 tỷ đồng/người, tương đương 81,9 triệu đồng/người/tháng.

Để có cú bắt tay với các ngân hàng lớn, nhiều hãng bảo hiểm đã phải chi trả hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước khi bắt đầu ký kết hợp đồng. Đó cũng là lý do khiến lợi nhuận của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ biến động mạnh những năm gần đây, có thể chuyển từ lỗ sang lãi chỉ sau một vài năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hợp tác với các công ty thương mại điện tử, fintech,…giúp doanh thu tăng mạnh thời gian qua.

Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm ở Việt Nam con tương đối thấp so với các nước khác. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường này cần chất lượng và chuyên nghiệp hơn, bởi trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều phản ánh tiêu cực của người tiêu dùng về ngành này.

Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, các công ty bảo hiểm nhân thọ yêu cầu đại lý cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm. Khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm chỉ tăng từ 61 doanh nghiệp cuối năm 2015, lên mức 78 doanh nghiệp cuối năm 2022. Tuy nhiên, quy mô thị trường bảo hiểm phát triển nhanh khi tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hàng năm kép (CAGR) của toàn ngành bảo hiểm đạt mức trung bình 20,7%/năm giai đoạn 2015 – 2022.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm giai đoạn 2021 – 2025 đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm, và giai đoạn 2026 – 2030 đạt mức 10%/năm. Mục tiêu đến năm 2030, có 18% người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ. Mục tiêu này là phù hợp theo đà tăng của thu nhập người dân kỳ vọng đạt 7.500 USD/năm thời điểm năm 2030.

Theo Hồng Giang/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/so-gang-loi-nhuan-5-ong-lon-bao-hiem-nam-2022-prudential-dan-dau-manulife-gay-bat-ngo-lon-178490.html