QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Số phận dự án 231 Nguyễn Trãi của Cao su Sao Vàng: Tạm dừng sau 10 năm ‘thai nghén’

10 năm trước, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC) trở thành tâm điểm của giới đầu tư với kế hoạch xây dựng một dự án bất động sản cao cấp trên khu “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn đang trong quá trình “thai nghén”. Điều này khiến ban lãnh đạo SRC phải quyết định gác dự án lại.

‘Đất vàng’ 231 Nguyễn Trãi: Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai

6 năm tìm người “chọn mặt gửi vàng”

Từ năm 2010, chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô thành phố đã đưa SRC lọt vào mắt xanh của hàng loạt các đại gia bất động sản. Khi đó, SRC ấp ủ kế hoạch xây dựng một tổ hợp bất động sản cao cấp, nằm trên khu đất của nhà máy rộng 6,3ha tại số 231 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Qua 6 năm ròng tìm kiếm, cuối cùng SRC cũng tìm được người để “chọn mặt gửi vàng”, cùng ký hợp đồng đầu tư dự án kể trên. Sự lựa chọn của SRC khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi đối tác chẳng phải các “ông lớn” đương thời, mà là cái tên khá mới mẻ: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (sau đây viết tắt là Hoành Sơn).

Khi đó, vào trung tuần tháng 6/2016, SRC và Hoành Sơn đã ký kết một hợp đồng hợp tác. Nội dung hợp đồng là đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai dự án trên khu đất 6,3ha với mặt tiền trải dài 250m dọc đường Nguyễn Trãi, nằm đối diện dự án Royal City.

Dự án này có tên gọi khá mỹ miều “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng – Hoành Sơn”, gồm đầy đủ các chức năng văn phòng, thương mại, đến nhà ở cao cấp để bán hoặc cho thuê.

Dự án được hai bên triển khai thông qua công ty liên doanh Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn, có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, sau nâng lên 500 tỷ đồng vào đầu năm 2017. Kể từ khi thành lập đến khi tăng vốn điều lệ, tỷ lệ góp của SRC luôn là 26% tới từ nguồn vốn vay của Hoành Sơn, số còn lại do Hoành Sơn sở hữu.

Khoản vốn vay này có lãi suất 0%, thời hạn 36 tháng. SRC sẽ nhượng lại toàn bộ phần vốn đang góp tại Sao Vàng – Hoành Sơn cho chính Hoành Sơn, ngay sau khi kết thúc thời hạn vay.

Được biết, SRC luôn duy trì tỷ lệ nắm giữ là 26% tại công ty liên doanh là để đáp ứng tỷ lệ nắm giữ tối thiểu của doanh nghiệp phải di dời (SRC) tại pháp nhân thực hiện dự án (Sao Vàng – Hoành Sơn) theo chuẩn quy định, để tránh bị nhà nước đấu giá hay thu hồi khu “đất vàng” 6,3ha này.

Cũng nằm trong thỏa thuận, Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng để SRC di dời nhà máy về khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Tổng kinh phí hỗ trợ chưa bao gồm các loại phí, dự kiến chia thành 4 đợt chuyển tiền, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2018.

Như vậy, với khoản hỗ trợ 435 tỷ đồng để có quyền thực hiện dự án 6,3ha, Hoành Sơn chỉ phải trả cho SRC gần 7 triệu đồng/m2, con số thấp hơn 40% so với mức giá của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Hưng từng đưa ra trước đó, nhưng đã bị “bác lại” bởi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Để dọn đường di dời nhà máy, hồi tháng 7/2016, SRC ký hợp đồng thuê đất dài hạn với Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam, nhằm thuê lại quyền sử dụng đất trong vòng 40 năm, tại địa chỉ lô E, khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Với giá thuê hơn 815.000 đồng/m2 chưa bao gồm thuế GTGT, SRC đã phải bỏ ra gần 170 tỷ đồng.

Mắc kẹt thủ tục pháp lý, SRC quyết dừng dự án “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi

Kể từ ngày dự án được SRC và Hoành Sơn ký kết, đã hơn 4 năm trôi qua. Đối với SRC, đó là khoảng thời gian khá dài để hàng loạt thay đổi xảy ra, từ cơ cấu doanh nghiệp, cổ đông và người điều hành…

Theo chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Chính phủ, Vinachem đã cắt giảm 15% tỷ lệ sở hữu tại SRC, qua phiên đấu giá trọn lô 4,2 triệu cổ phần, đồng nghĩa với việc từ bỏ “quyền sinh, quyền sát” đang nắm giữ.

Đáng chú ý, nhóm cổ đông thâu tóm trọn lô cổ phần này được cho là có liên quan đến Hoành Sơn. Bởi lẽ, sau khi thương vụ thoái vốn nhà nước diễn ra ít lâu, chính nhóm cổ đông này đã bổ nhiệm ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoành Sơn, lên giữ vị trí chủ tịch HĐQT SRC.

Và mới đây, Hoành Sơn thông báo đã chính thức mua xong 6,9 triệu cổ phần SRC, để trở thành cổ đông lớn sở hữu 24,5% vốn điều lệ tại doanh nghiệp cao su này.

Có thể thấy, Hoành Sơn đã và đang từng bước “thâu tóm” thành công SRC, khi đưa ông Sơn lên nắm quyền chủ tịch, còn tập đoàn trở thành một trong những cổ đông lớn nhất.

Nội bộ thay đổi nhanh chóng là thế, thế nhưng tiến độ thực hiện dự án khu đất 231 Nguyễn Trãi lại vẫn giậm chân tại một điểm. Sự chậm chễ và ì ạch này được phản ánh qua khoản kinh phí hỗ trợ di dời nhà máy.

Cụ thể, sau khi vượt thời hạn thỏa thuận 2 năm, đến nay Hoành Sơn mới chỉ “giải ngân” được cho SRC 143,5 tỷ đồng, tương ứng 33% tổng kế hoạch. Có lẽ, tiến độ dự án đã không còn nằm trong sự kiểm soát của ban lãnh đạo SRC.

Không còn nhẫn nại, ngày 15/6 vừa qua, HĐQT SRC quyết định “đóng dấu niêm phong” dự án khu 231 Nguyễn Trãi, thông qua nghị quyết số 144.

Tại báo cáo tài chính quý II/2020  có nêu: dự án di dời nhà máy đã bị dừng triển khai thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi, do không còn phù hợp với điều kiện hiện tại.

Điều này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau hành trình 10 năm, SRC chấp nhận sự thất bại của dự án khu “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi, dự án từng được hy vọng sẽ là đối thủ của khu đô thị Royal City.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xử lý nguy cơ cháy, nổ các kho, nhà máy hóa chất trong thành phố.Chỉ đạo được đưa ra sau khi xảy ra nhiều vụ cháy kho, nhà máy hóa chất ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và sức khỏe của người dân. Gần đây nhất là vụ cháy kho hóa chất Đức Giang ở quận Long Biên cuối tháng 6/2020 hay trước đó là vụ cháy Công ty Rạng Đông hồi tháng 8/2019…
Trong một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gửi Bộ Xây dựng, cơ quan này cho biết, theo kế hoạch vạch ra, giai đoạn 2016 – 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 113 chưa di dời, tập trung chủ yếu ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa và Hà Đông.

Theo Việt Anh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/so-phan-du-an-231-nguyen-trai-cua-cao-su-sao-vang-tam-dung-sau-10-nam-thai-nghen-20180504224242824.htm