QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Sóng” cổ phiếu chuyển sàn năm 2020: “Câu cá ao cũ” còn sinh lời năm 2021?

Năm 2020 thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng với đó, làn sóng chuyển sản cũng gây ra những biến động nhất định tại các sàn giao dịch với việc không ít những doanh nghiệp chuyển từ UpCOM, HNX sang HOSE…

Nhóm ngân hàng tích cực “chuyển nhà”

Trong những ngày cuối năm 2020, hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP. HCM (HOSE) liên tục công bố chấp thuận niêm yết cho các ngân hàng.

Sàn HOSE sẽ có thêm 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của SeABank và hơn 1 tỷ cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông. Trước đó, MSB cũng đưa 1,18 tỷ cổ phiếu lên HOSE, ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trong năm nay.

3 ngân hàng này đều từng đưa việc lên sàn vào nội dung thảo luận tại đại hội thường niên trong 3 năm gần đây và được cổ đông thông qua nhưng chưa thực hiện. Nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra là thị trường không thuận lợi, gặp khó khăn trong việc xác định và lưu ký cổ phiếu của cổ đông hoặc muốn hoàn tất tăng vốn, tìm nhà đầu tư chiến lược trước khi niêm yết.

Buổi lễ niêm yết cổ phiếu của MSB (Nguồn ảnh: MSB)

Đầu tháng 12, gần 2,2 tỷ cổ phiếu ACB chào sàn HOSE. Trong tháng 11, VIB đưa 924 triệu cổ phiếu niêm yết, ngay sau khi LienVietPostBank đưa hơn 976 triệu cổ phiếu lên HOSE. Điểm chung của ba ngân hàng này là cổ phiếu đã có thời gian giao dịch trên các sàn chứng khoán UpCOM hoặc HNX trước khi sang HOSE. Dù không chịu sức ép chuyển sàn, các đơn vị này vẫn quyết định “chuyển nhà”.

Tại phiên họp thường niên 2020, lãnh đạo ACB đề cập việc đưa cổ phiếu sang giao dịch trên HOSE nhằm đón đầu việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Theo đề án được Chính phủ phê duyệt, thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về cho HOSE quản lý, trong khi HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó, việc chuyển đăng ký niêm yết của cổ phiếu từ HNX sang HoSE chỉ là vấn đề thời gian.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang HOSE, cổ phiếu ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… từ đó có thể tăng giá trị trên thị trường.

Nhận định về việc chuyển niêm yết của các ngân hàng, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research cho rằng, niêm yết trên HOSE có thể mang lại nhiều lợi ích, trong đó có cơ hội tăng vốn là yếu tố nổi bật nhất.

Khác biệt đầu tiên là cổ phiếu các ngân hàng sẽ đủ điều kiện để giao dịch ký quỹ (VIB và LienVietPostBank), từ đó giúp cải thiện thanh khoản. Các mã sau khi chuyển sàn sẽ được phép giao dịch ký quỹ sau 6 tháng từ ngày niêm yết.

Thứ hai, theo SSI Research, nhà đầu tư sẽ đón nhận cổ phiếu ngân hàng tốt hơn trên HOSE. Tính minh bạch, độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố tại HOSE, nhìn chung được đánh giá cao hơn so với thông tin trên UpCOM. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn so với sàn UpCOM.

Điểm thứ ba được đề cập là khi cổ phiếu niêm yết trên HOSE, các quỹ lớn có thể lựa chọn đầu tư. Một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UPCOM, do đó việc chuyển sang HOSE sẽ khiến VIB và LienVietPostBank có thể được các quỹ ngoại lớn tiếp cận.

Ngoài HOSE, một số ngân hàng đưa cổ phiếu lên UpCOM. PGBank đưa 300 triệu cổ phiế lên sàn ngày 24/12. Theo sau, ABBank cũng giao dịch tập trung 571 triệu cổ phiếu ABB từ 28/12.

Trong tháng 10, UpCOM đón 308 triệu cổ phiếu SGB của Saigonbank và 389 triệu cổ phiếu NAB của Nam A Bank.

Đầu tháng 7, UpCOM cũng đón 317 triệu cổ phiếu của Viet Capital Bank. HNX là sàn ít được ngân hàng lựa chọn nhất để giao dịch cổ phiếu. Gần đây, chỉ Bac A Bank công bố chuyển sang từ UpCOM và được chấp thuận.

Năm 2018, thị trường cũng chứng kiến làn sóng lên sàn của nhiều ngân hàng như VPBank, HDBank, Techcombank… Tuy nhiên, năm 2019, khi thị trường chứng khoán không thuận lợi, chỉ một số ngân hàng nhỏ lựa chọn lên UpCOM như Kienlongbank, VietBank…

Triển vọng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng

Cùng xu hướng tích cực của thị trường trong nửa cuối năm và động lực từ chuyển sàn, niêm yết, phần lớn cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá. Theo ghi nhận, cổ phiếu ACB tăng 85% từ đáy cuối tháng 3, LPB tăng 123%, VIB tăng 182%…

Theo SSI Research, cổ phiếu ngân hàng là nhóm được quan tâm trong quý IV và năm 2021 do đây là ngành được hưởng lợi rất rõ từ môi trường lãi suất và rủi ro nợ xấu đang thấp hơn so với kỳ vọng do khả năng kiểm soát dịch nhanh chóng của Việt Nam.

song co phieu chuyen san nam 2020 cau ca ao cu con sinh loi nam 2021
Nợ xấu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng năm sau (Nguồn ảnh Ndh.vn)

SSI Research cũng nhận định, triển vọng chung của ngành ngân hàng trong 2021 tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19. Nhóm chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này cũng điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng nghiên cứu cho năm 2020 và 2021 lần lượt tăng 3% và tăng 17% trong đó lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 6% trong năm 2020 và sau đó phục hồi 22% trong năm 2021. Các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ báo lãi tăng 9% trong năm 2020 và tăng 14% trong năm tiếp theo.

Mặt khác, SSI Research cũng đề cập việc trích lập dự phòng sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong năm 2021 trở đi. Rủi ro lợi nhuận với các ngân hàng bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn, nền kinh tế phục hồi chậm hơn ước tính và dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, ông Cấn Văn Lực nhận định COVID-19 khiến nợ xấu của ngành ngân hàng tăng. Hệ quả này đến từ yếu tố khách quan, không chỉ với năm nay, năm 2021 kế hoạch cũng như quan điểm xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ phải thay đổi.

Theo ông Lực, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 ước tính sẽ khoảng 4,5%, con số này của năm 2021 có thể tăng lên 5 – 6%. Trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021.

Theo chuyên gia, các khoản nợ xấu tiềm ẩn có thể phát sinh trong tương lai khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, bào mòn lợi nhuận của ngân hàng, tuy nhiên, đây là điều mà các nhà băng cần phải chấp nhận trong bối cảnh hiện nay.

song co phieu chuyen san nam 2020 cau ca ao cu con sinh loi nam 2021
Năm 2021, nhà đầu tư còn câu cá ao cũ?
Fitch Ratings dự báo năm 2021, thu nhập của các ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chặt hơn chi phí, hoạt động cho vay dần khởi sắc. Song sự phục hồi sẽ phần nào bị hạn chế do biên lãi ròng thu hẹp, đặc biệt tại các ngân hàng quốc doanh. Vốn hóa của các ngân hàng Việt vẫn còn mỏng trước những rủi ro nhất định trong môi trường hoạt động trong nước. Dù vậy, hoạt động kinh tế phục hồi và khả năng sinh lời của các ngân hàng có thể sẽ tạo ra đủ lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, giúp ổn định tỷ lệ vốn hóa.

Thêm nhiều “ông lớn” chuyển sàn

Năm 2020 không chỉ chứng kiến làn sóng chuyển sàn của các ngân hàng, mà đây cũng là “cuộc di cư” của khá nhiều “ông lớn” khác.

Ngay từ đầu năm 2020, sàn HOSE đã đón 4 tỷ cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group) chuyển từ UpCOM sang. Ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE vào 17/3/2020. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.570 đồng/cổ phiếu trong khi GVR đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng cổ đông công ty đã “tạm mất” đi 940 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu ngay khi doanh nghiệp chuyển sàn.

Đến nay, sau 8 tháng chuyển sàn, cổ phiếu GVR đã tăng 150%, lên 29.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng rất ổn định với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 12.117 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.033 tỷ đồng giảm 12% so với 9 tháng đầu năm 2019 trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 1.611 tỷ đồng.

Một “ông lớn” khác chuyển sàn từ UpCOM sang là Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex (BCM). Becamex IDC đưa hơn 1,03 tỷ cổ phiếu BCM lên giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE vào 31/8/2020. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 28.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó BCM đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom ở mức 30.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, xuất phát điểm khi chuyển sàn, nhà đầu tư đã “tạm mất” đi 2.100 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu. Tuy vậy BCM đã tạo “ấn tượng” khi tăng trần 6 phiên liên tiếp khi gia nhập HOSE. Hiện BCM đang giao dịch quanh mức 41.600 đồng/cổ phiếu.

Sau gần nửa năm chuyển sàn, Becamex IDC chưa tiến hành tăng vốn điều lệ, trong khi đó công ty đã thanh toán cổ tức 1 lần, danh sách chốt ngày 25/11/2020 với tỷ lệ chi trả 4% bằng tiền mặt.

Quý III/2020 được xem là quý đầu tiên sau khi chuyển sàn (dù còn 1 tháng), Becamex IDC báo lãi sau thuế 631 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, Becamex đạt 5.210 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.282 tỷ đồng giảm 26,7% so với cùng kỳ.

Năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu là 6.016 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 931 tỷ đồng, lần lượt giảm 40% và 65% so với thực hiện năm 2019.

Như vậy với kế hoạch này kết thúc 9 tháng đầu năm 2020 Becamex đã hoàn thành được 86,6% mục tiêu về doanh thu và vượt 37,7% mục tiêu về lợi nhuận sau thuế.

Thêm các doanh nghiệp chuyển sàn lên niêm yết trên HOSE trong năm 2020 vừa qua nữa như Hóa chất Đức Giang (DGC), Công ty Thuận Đức (TDP), DIC Holdings (DC4). Trong số đó, ngoại trừ cổ phiếu DC4 đã giảm giá sau khi chuyển sàn thì cả DGC và TDP đều tăng mạnh khi sang niêm yết trên HOSE.

Trước đó Thuận Đức đưa 25 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ tháng 11/2018. Sau gần 2 năm, Thuận Đức tăng vốn điều lệ lên thành 376 tỷ đồng, chào sàn HOSE ở mức giá 21.200 đồng/cổ phiếu – cao hơn 3.000 đồng trên mỗi cổ phiếu so với giá đóng cửa phiên cuối cùng trên UpCOM.

Còn hiện tại, Thuận Đức vừa phát hành gần 5,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn điều lệ lên hơn 537 tỷ đồng. Giá cổ phiếu TDP cũng tăng mạnh lên 34.500 đồng/cổ phiếu.

Những doanh nghiệp chuyển từ UpCOM lên HNX

song co phieu chuyen san nam 2020 cau ca ao cu con sinh loi nam 2021
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ngoài những doanh nghiệp chuyển sang niêm yết trên HOSE, trong năm 2020 vừa qua cũng không ít doanh nghiệp chuyển sang niêm yết trên HNX. Đây là những doanh nghiệp chuyển lên từ UpCOM. Năm 2020 không ghi nhận trường hợp “chuyển ngược” từ HOSE sang HNX.

Tổng Công ty Lâm Nghiệp Việt Nam – Vinafor (VIF) đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên chuyển sàn trong năm vừa qua. Toàn bộ 350 triệu cổ phiếu VIF đã hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 17/1/2020 và giao dịch phiên đầu tiên trên HNX vào 3/2/2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 21.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng với định giá vốn hóa thị trường khoảng 7.600 tỷ đồng – nằm trong TOP các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất HNX.

Sau gần 1 năm chuyển sàn, Vinafor chưa tiến hành tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên vào tháng 7 vừa qua công ty đã thanh toán cổ tức bằng tiền tỷ lệ 18%. Giá cổ phiếu VIF cũng có nhiều biến động trong năm vừa qua, thấp nhất xuống dưới 13.000 đồng/cổ phiếu và cao nhất lên 18.900 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Hiện VIF giao dịch quanh mức 16.900 đồng/cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2020 Vinafor đạt 1.357 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế giảm 45% xuống còn hơn 211 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thứ 2 chuyển sàn từ UpCOM sang HNX trong năm 2020 là Tổng CTCP Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV (MVB). Xét kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2020 đạt 3.336 tỷ đồng – xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt gần 128 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 104 tỷ đồng.

Toàn bộ 105 triệu cổ phiếu MVB đã giao dịch phiên cuối cùng trên UpCOM ngày 16/10/2020 vừa qua và hủy đăng ký giao dịch trên UpCOM từ 19/10 để chuyển sang niêm yết trên HNX. Thời gian cuối giao dịch trên UpCOM cổ phiếu MVB đã tăng mạnh, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng ngày 16/10 ở mức 16.700 đồng/cổ phiếu – gấp 3 lần thời điểm đầu năm 2020.

Cổ phiếu MVB giao dịch phiên đầu tiên trên HNX vào ngày 28/10/2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, không được thuận lợi như phần lớn các cổ phiếu chuyển sàn khác, MVB nhanh chóng giảm giá và hiện giao dịch quanh mức 12.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản thị trường cũng không cải thiện nhiều, chỉ hàng trăm, đến hàng nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Nhiều cổ phiếu về lại nhà cũNhững doanh nghiệp chuyển sàn sang Upcom năm 2020 còn phải kể tên như Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) với 400 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCOM; AGF của Thủy sản An Giang, HVA, Lắp máy Sông Đà (MEC), DIC Đồng Tiến (DID), Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE), Khoáng sản và Luyện kim màu (KSK), Thương mại Hà Tây (HTT), Landmark Holding (LMH), Hùng Vương (HVG), Đầu tư và Thương mại DIC (DIC).Những cổ phiếu này sau khi chuyển sàn vẫn không có những chuyển biến khởi sắc. Các cổ phiếu này vẫn giữ mức giá “trà đá” và thanh khoản không được cải thiện.

Theo Quốc Trung/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/song-co-phieu-chuyen-san-nam-2020-cau-ca-ao-cu-con-sinh-loi-nam-2021-85313.html