QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Sốt đất” tạo điểm nghẽn trong phát triển bất động sản công nghiệp

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá nhờ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng “sốt đất” đẩy giá đất lên cao, cùng với đó là hạ tầng giao thông, logistic… còn thiếu đồng bộ là những điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ.

Việt Nam đang khan hiếm quỹ đất lớn có vị trí thuận lợi để phát triển khu công nghiệp

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần 2 năm 2022 với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn – Đón dòng vốn mới” do Báo Đầu tư và Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial) tổ chức sáng 24/5 tại TP.HCM.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động luân chuyển hàng hóa, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng, đặc biệt vốn đầu tư mở rộng tăng mạnh tới 40,5%.

Bốn tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh và các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Tuy vậy nhưng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực. Vì thế, Việt Nam cần tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao…

Liên quan đến vấn đề quỹ đất cho phát triển công nghiệp, bà Somhatai Panichewa, Tổng GĐ điều hành Amata Vietnam cho biết: Xu thế hiện nay là hình thành hệ sinh thái khu công nghiệp, phát triển các thành phố công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường.

Theo bà Somhatai Panichewa, điều này sẽ làm tăng chi phí đầu tư nhưng nếu làm với quy mô lớn thì sẽ tối ưu được hiệu quả đầu tư. Vì vậy, bà kiến nghị Chính phủ Việt nam xem xét lại việc giới hạn diện tích của khu công nghiệp.

“Tại nhiều quốc gia chúng tôi đang đầu tư thì đa phần đều có quy mô hơn 10.000ha. Với quy mô này, chúng tôi mới có thể đưa ra những quy hoạch lớn hơn, kế hoạch lớn, cùng hợp tác với các đôi tác lớn, để làm nó trở lên cạnh tranh hơn”, Tổng GĐ điều hành Amata Việt Nam chia sẻ.

Bà Somhatai Panichewa cho rằng: Để đón dòng vốn mới, chất lượng thì Chính phủ Việt Nam và các địa phương nơi có dự án khu công nghiệp cần đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông và tăng tính kết nối, đặc biệt là các khu vực còn quỹ đất rộng nhưng lại chủ yếu ở khu vực còn nhiều khó khăn.

“Tôi không nghi ngờ gì về việc dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đang và sẽ tiếp tục vào Việt nam. Chỉ là việc chúng ta phải dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà của mình như thế nào để sẵn sàng đón khách”, bà Somhatai nói.

Cùng chung nhận định, bà Trang Bùi, Tổng GĐ Công ty Cushman & Wakefield, cũng cho rằng: Giá đất công nghiệp đã đẩy lên cao vượt qua kỳ vọng về chi phí thấp của nhà sản xuất. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, thị trường cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho các tỉnh còn đang nhiều dư địa để phát triển nhưng có vị trí xa các khu kinh tế trọng điểm.

Ngoài điểm nghẽn về nhân lực khi nguồn cung lao động hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, bà Trang cũng chỉ ra một thách thức khác là cơ sở hạ tầng chưa phát triển.

“Để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển công nghiệp, logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh…. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao hệ thống điện nước, gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.

Trao đổi với các nhà đầu tư, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của các nhà đầu tư trong các vấn đề về đất đai, về điện, về nguồn nhân lực, đặc biệt là việc giữ chân công nhân lao động ở lại làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp.

Chính vì thế, chúng tôi đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, hy vọng trong quý 2/2022 này Thủ tướng sẽ xem xét ban hành nghị định này.

“Việc sửa đổi được thực hiện theo hướng giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp, giảm bớt các thủ tục trùng lắp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất”, ông Trung khẳng định.

Hiện cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Tôn Quyên/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/sot-dat-tao-diem-nghen-trong-phat-trien-bat-dong-san-cong-nghiep-46687.htm