QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

SSI: Lợi nhuận ngân hàng năm 2022 sẽ tăng 21%, kênh bancassurance tiếp tục sôi động

Năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng ở mức 21%, tuy nhiên sẽ có sự khác biệt giữa 2 nửa đầu năm và cuối năm.  

SSI: Lợi nhuận ngân hàng năm 2022 sẽ tăng 21%, kênh bancassurance tiếp tục sôi động

Lợi nhuận ngân hàng năm 2022 sẽ tăng 21%

Trong báo cáo ngành ngân hàng vừa được công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng tăng trưởng tổng thu nhập của các ngân hàng trong năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng và triển vọng tươi sáng từ các dịch vụ thu phí.

Cụ thể, tín dụng năm 2022 theo dự báo của SSI sẽ tăng trưởng mạnh hơn năm 2021, xuất phát từ phía cung và cầu. Nhu cầu tín dụng khá mạnh trong quý IV/2021 khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội dự kiến tiếp tục duy trì trong năm 2022. Nhu cầu vay vốn cung lan tỏa đến mảng bán lẻ cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.

Về phía cung, các chỉ tiêu an toàn vốn tại TPBank và VPBank tăng lên sau đợt phát hành riêng lẻ và thoái vốn công ty con trong năm 2021, ngoài ra, một số ngân hàng khác như BIDV, Vietcombank, MB, OCB, LienVietPostBank, SHB,… cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022.

“Do đó, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%, cao hơn năm 2021. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng có thể được điều chỉnh do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể giảm với sự quản lý chặt chẽ hơn”, báo cáo của SSI nêu rõ.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng sẽ ở mức ổn định dù lãi suất huy động nhích lên nhờ 5 yếu tố là: chi phí phát hành trái phiếu và giấy tờ có giá thấp hơn giai đoạn năm 2018-2019; dư địa để tăng hệ số LDR (tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động); khả năng lùi thời gian siết tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; gói cứu trợ Covid hết hiệu lực và các khoản lãi dự thu theo dõi ngoại bảng liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu có thể quay trở lại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Yếu tố thứ hai hỗ trợ cho tăng trưởng thu nhập của các ngân hàng trong năm 2022 là dịch vụ thu phí. Theo đó, SSI dự báo các dịch vụ thu phí của ngành ngân hàng dự kiến tăng mạnh từ cả mảng dịch vụ thanh toán (phục hồi khi nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại) và hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Trong đó, thị trường bancassurance dự báo vẫn tiếp tục sôi động sau những thương vụ ký kết thành công giữa một số ngân hàng như MSB, Sacombank với các công bảo hiểm là Manulife, Prudential. Năm 2022, các thương vụ mới được kỳ vọng là việc ký kết giữa VietinBank và Manulife; Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại với Manulife và AIA; HDBank và LienVietPostBank có thể ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền mới.

Về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trung bình năm 2022 của các ngân hàng sẽ tăng 21% so với năm 2021 (không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bancassurance và/ hoặc thoái vốn công ty con). Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 22%, cao hơn so với mức tăng trưởng 19% của ngân hàng TMCP quốc doanh, theo dự đoán của SSI.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng cho biết triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ có sự khác biệt giữa hai nửa đầu năm và cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn hơn so với cùng kỳ tại các ngân hàng trong nửa đầu năm do mức so sánh cao trong 6 tháng đầu năm 2021. Tăng trưởng ước tính mạnh hơn bắt đầu từ quý II/2022 đối với VietinBank, MB và Vietcombank, từ quý III/2022 đối với các ngân hàng khác trong phạm vi nghiên cứu của SSI. 

Nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ sau quý II

Theo Thông tư 16/2021 kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn, dẫn đến khó khăn trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự của các ngân hàng sẽ được hé lộ, theo SSI.

“Do tác động mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và 2 thời hạn quan trọng này, chúng tôi duy trì quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng. Tuy nhiên không ngoại trừ khả năng Thông tư 14 có thể tiếp tục được gia hạn”, báo cáo của SSI nêu rõ.

Công ty chứng khoán này cho rằng các cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn việc quản lý chất lượng tài sản ngân hàng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022 thông qua thay đổi trong khung pháp lý.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng và dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể thắt chặt hoạt động tín dụng. Ngoài ra, cũng có một số đề xuất nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản thương mại và nhà ở giá trị cao để hạ nhiệt thị trường.

Về Nghị quyết 42, hiện có nhiều đề xuất về việc gia hạn hoặc luật hóa nghị quyết này để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tồn đọng và nợ xấu liên quan đến Covid-19.

Ngoài ra, phía SSI cũng cho biết cơ quan chức năng có thể nới lỏng một số mốc thời hạn quan trọng giúp các ngân hàng có thêm thời gian thích ứng như lùi thời gian thắt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp các ngân hàng có thể duy trì chi phí vốn ở mức thấp và tăng khả năng tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia.

Theo Hải Đường/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ssi-loi-nhuan-ngan-hang-nam-2022-se-tang-21-kenh-bancassurance-tiep-tuc-soi-dong-20180504224263576.htm