QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tài chính ngân hàng ngày 10/7: Mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhất trong 10 năm qua

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 10/7/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Mặt bằng lãi suất vừa giảm xuống ở mức thấp nhất trong 10 năm qua; cùng với đó là những chỉ đạo của Thủ tướng về việc xem xét, điều chỉnh lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tài chính ngân hàng ngày 10/7

Mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhất trong 10 năm qua

Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo triển vọng vĩ mô. 

Theo KBSV, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 và tín dụng luôn duy trì ở mức cao. Diễn biến này chủ yếu là do dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi rõ rệt do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19/6 chỉ đạt 2,45% , thấp hơn nhiều so với mức hơn 7% cùng kỳ năm 2019 trong khi tốc độ tăng M2 đạt 4,59%. Thanh khoản dư thừa đã khiến lãi suất liên ngân hàng và lãi suất TPCP xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. 

Để đối phó với dịch Covid-19, NHNN đã quyết định hạ lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp vào tháng 3 và tháng 5 với tổng mức giảm là 100 bps đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn và trần lãi suất cho vay trong lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ. 

KBSV đánh giá đây là những chính sách tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của NHNN, mang tính chất nới lỏng có kiểm soát nhằm tránh những hệ lụy về sau như lạm phát, nợ xấu và bong bóng giá tài sản (ví dụ như bất động sản) như giai đoạn 2009 – 2011.

Những nỗ lực của các NHTM để bù đắp cho sự cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19 thời gian gần đây đã đẩy lãi suất huy động ở kỳ hạn dài trên 6 tháng giảm rõ rệt trong giai đoạn cuối Quý 2 để giảm chi phí vốn. Lãi suất tiền gửi dài hạn trên 6 tháng đã giảm khoảng 50 điểm cơ bản tính từ đầu năm tại hầu hết các NHTM trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống luôn duy trì trạng thái dồi dào. Lãi suất cho vay cũng đã có xu hướng giảm nhẹ để hỗ trợ nền kinh tế và mặt bằng lãi suất đã đứng ở mức thấp nhất 10 năm qua.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xem xét giảm lãi suất ngân hàng và miễn giảm thuế, phí

Hôm qua, 9/7, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thống nhất kịch bản tăng trưởng Việt Nam từ 3 – 4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực.

Thủ tướng chỉ đạo, với ngành Ngân hàng, tiếp tục xem xét giảm lãi suất, tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. 

Với ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tạ Anh Tuấn làm Thứ trưởng Bộ Tài chính

Cũng trong ngày hôm qua, 10/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định bổ nhiệm ông Tạ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ông Tuấn đã có gần 30 năm kinh nghiệm công tác trong ngành Tài chính. Ông từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, sau đó được chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính.

Ông Tuấn chính thức làm Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước từ giữa năm 2018, sau một thời giam tạm quyền Tổng Giám đốc cơ quan này.

Như vậy, hiện nay cùng với ông Tuấn, Bộ Tài chính còn có 4 Thứ trưởng khác là các ông Trần Xuân Hà, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Huỳnh Quang Hải, và bà Vũ Thị Mai.

TPBank xin ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2020

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) vừa đưa ra nghị quyết thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2020.

Ngân hàng hiện chưa công bố chi tiết phương án tăng vốn dự kiến điều chỉnh mới.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa được tổ chức vào tháng 6, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho biết TPBank sẽ tiếp tục kế hoạch tăng vốn chưa thực hiện được trong năm 2019 vào năm nay.

Theo đó, ngân hàng dự kiến tăng vốn từ 8.566 tỉ đồng lên 10.199 tỉ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 20%, thực hiện trong quí III và quí IV.

“Năm nay chắc chắn sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ”, vị Chủ tịch này khẳng định tại đại hội.

Năm 2020, TPBank đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 9% lên 180.000 tỉ đồng, tăng vốn điều lệ lên 10.199 tỉ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch là 15%, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 4.068 tỉ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2019.

Theo Anh Khôi/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tai-chinh-ngan-hang-ngay-107-mat-bang-lai-suat-o-muc-thap-nhat-trong-10-nam-qua-71624.html