QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tài chính tuần qua: Him Lam ‘bể kèo’ với DIC Corp tại dự án 10.000 tỷ, cổ đông Nhật gom thêm PLX

Cổ đông DIC Corp không muốn hợp tác với Him Lam trong dự án 10.000 tỷ đồng; Đầu tư Quang Thuận huy động thành công 6.000 tỷ đồng trái phiếu; Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) tiết lộ ý định quay trở lại sàn chứng khoán sau 9 năm; Nhóm cổ đông Nhật Bản gom thêm 13 triệu cổ phần Petrolimex… là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

Tài chính tuần qua: Him Lam ‘bể kèo’ với DIC Corp tại dự án 10.000 tỷ, cổ đông Nhật gom thêm PLX

Cổ đông DIC Corp không muốn hợp tác với Him Lam tại dự án 10.000 tỷ đồng

Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) vừa tổ chức lấy ý kiến cổ đông về chủ trương hợp tác đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Tuy nhiên, chỉ có 33% cổ đông đồng ý với phương án này.

Được biết, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu thuộc phường 12, TP. Vũng Tàu có diện tích 90,5 ha. Nguồn vốn dự kiến cho giai đoạn 2020 – 2026 là 10.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 12 năm từ năm 2015 đến hết năm 2026.

Đến thời điểm 31/7/2020, dự án đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý về lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, đã bồi thường được khoảng 7,2ha. Hiện, dự án đang được thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Tuy nhiên, dự án đang gặp khó vướng mắc các thủ tục kiểm đếm, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng như việc bố trí nguồn vốn. Trong 5 tháng cuối năm 2020, DIC Corp dự kiến bị hụt khoảng 3.345 tỷ đồng cho việc giải ngân các dự án và chi phí khác.

Sau khi cân nhắc các phương án như vay vốn từ ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính hay doanh nghiệp tự thu xếp vốn đều không khả quan, HĐQT DIC Corp đề xuất hợp tác cùng Công ty Cổ phần Him Lam.

Ban lãnh đạo khẳng định chỉ có Him Lam là đơn vị thực sự quan tâm đến dự án và có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị. Ngoài ra, công ty này cũng có mối liên hệ với các tổ chức tín dụng lớn trong nước, có thể thu xếp được nguồn vốn cho dự án với mức huy động lớn trong thời gian ngắn.

Doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát huy động 6.000 tỷ đồng trái phiếu

Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Đầu tư Quang Thuận) vừa thông báo đã phát hành 60 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị huy động thành công đạt 6.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được cho là có liên quan đến hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Sài thành Trương Mỹ Lan.

Tuy nhiên, bản tin công bố thông tin của doanh nghiệp không cho biết về lãi suất hay tài sản đảm bảo cho trái phiếu, cũng như không rõ các bên thu xếp và trái chủ là ai.

Được biết đây không phải là lần đầu Đầu tư Quang Thuận huy động hàng nghìn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

1 tháng trước đó (31/7), doanh nghiệp cũng phát hành 29 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.450 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, Quang Thuận đã huy động 9.450 tỷ đồng trái phiếu.

Tháng 12/2018, chỉ trong 2 ngày 24 và 27/12, Đầu tư Quang Thuận đã phát hành 4.500 tỷ đồng thông qua 31 lô lẻ. Trong đó, 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm.

Năm 2019, công ty này đã chi 449 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu, tương đương lãi suất từ 9-10%/năm.

Thông tin chi tiết về các đợt phát hành trên đều không được tiết lộ, chỉ đến khi doanh nghiệp mua lại 3.000 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 21/10/2019, trái chủ của lô trái phiếu này mới được hé lộ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Descon ‘nhăm nhe’ quay trở lại sàn chứng khoán sau khi bị mở thủ tục phá sản

9 năm sau khi bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) mới đây đã tiết lộ ý định muốn quay trở lại sàn chứng khoán và dự kiến thông qua kế hoạch này ở đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sắp tới.

Trên trang web chính thức của Descon gần đây đã đăng tải thông tin về việc tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2020 vào tháng 10 sắp tới. Theo đó, một trong những kế hoạch được ban lãnh đạo doanh nghiệp này công bố là việc triển khai niêm yết cổ phiếu DCC trên sàn chứng khoán.

Được biết, cổ phiếu DCC lên sàn HoSE vào cuối năm 2007 và sau 4 năm giao dịch thì DCC chính thức bị hủy niêm yết vào cuối năm 2011 do vi phạm về quy định công bố thông tin.

Cuối năm 2018, Descon bất ngờ nhận quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP. HCM theo đơn kiện của một nhà cung cấp nước ngoài là Siam City Cement Ltd (SIAM).

Được biết, thông tin này do Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh (Searefico) công bố. Ở thời điểm đó, Searefico có hợp đồng thi công cùng Descon với tư cách là nhà thầu phụ tại các dự án mà Descon đang thực hiện với vai trò nhà thầu chính, do đó Searefico đã gửi thông báo các khoản nợ của Descon tới Tòa án nhân dân TP. HCM để thu hồi nợ, giảm thiểu thiệt hại.

Thông tin về việc Descon bị mở thủ tục phá sản được cho là khá bất ngờ vì ở thời điểm đó doanh nghiệp này không cho thấy dấu hiệu của việc kinh doanh sa sút. Thậm chí, Descon vẫn thông báo về việc trúng thầu và động thổ thi công nhiều dự án ở TP. HCM và Bình Dương, báo lãi trong vòng nhiều năm liên tiếp trước khi nhận được thông báo của Tòa án nhân dân TP. HCM.

Gần 21 triệu cổ phiếu Hoa Sen đổi chủ

Ngày 16/9, thị trường chứng khoán giằng co và thanh khoản hạ nhiệt, cổ phiếu Hoa Sen trở thành điểm nhấn khi đứng đầu về khối lượng khớp lệnh và giá trị giao dịch.

Cụ thể, nhà đầu tư trao tay 20,6 triệu cổ phiếu HSG với giá trị tương ứng 278 tỷ đồng.

Phiên này cũng chứng kiến số lượng cổ phiếu HSG được chuyển nhượng cao thứ 4 từ đầu năm. Con số gần 21 triệu đơn vị giao dịch phiên 16/9 cao gấp đôi mức bình quân hơn 10 triệu cổ phiếu đổi chủ mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất.

HSG có thời điểm chạm mức giá trần trong ngày nhưng lực cung lớn không thể giúp mã này duy trì sắc tím đến cuối phiên. Đóng cửa phiên 16/9, HSG tăng mạnh 6% lên vùng giá 13.800 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu Hoa Sen trong hơn 2 năm qua từ tháng 5/2018.

Thanh khoản của HSG cũng cao gấp đôi so với cổ phiếu xếp ở vị trí thứ 2 là STB (Sacombank) với 10,2 triệu đơn vị giao dịch.

Nhóm cổ đông Nhật Bản gom thêm 13 triệu cổ phần Petrolimex

Tập đoàn ENEOS Corporation, Nhật Bản vừa thông báo mua xong 13 triệu cổ phần Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX), tương đương 1% vốn điều lệ.

Thương vụ này được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, thực hiện từ ngày 27/8 – 14/9. Được biết, ENEOS là công ty mẹ của Công ty TNHH Tư vấn và Holding JX NIPPON Oil & Energy Việt Nam – cổ đông lớn thứ hai tại Petrolimex, nắm giữ 8,6% vốn.

Như vậy, nhóm cổ đông Nhật Bản này vừa nâng tỷ lệ nắm giữ lên gần 10% tại Petrolimex. Điều này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh nửa đầu năm của Petrolimex rất ảm đạm, doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ 2019, đạt 65.200 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ đi các khoản giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, Petrolimex lỗ ròng hơn 692 tỷ đồng.

Việc ghi nhận lỗ trăm tỷ sau 6 tháng đầu năm 2020 đã khiến Petrolimex bị cắt margin (không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ), yếu tố khiến thanh khoản của cổ phiếu PLX sụt giảm.

Từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu PLX giảm từ vùng 52.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 50.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm mở cửa phiên giao dịch ngày 18/9, tương ứng mức giảm 3,8%.

Tạm tính theo thị giá trung bình là 51.000 đồng/cổ phiếu, có thể ENEOS đã phải bỏ ra 660 tỷ đồng cho lần giao dịch này.

Theo Việt Anh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/tai-chinh-tuan-qua-him-lam-be-keo-voi-dic-corp-tai-du-an-10000-ty-co-dong-nhat-gom-them-plx-20180504224243953.htm