QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tài chính tuần qua: Vingroup, Sabeco, Viettel Global báo lãi nghìn tỷ trong quý III

Kết quả kinh doanh quý III ấn tượng của hàng loạt ông lớn như Vingroup, Sabeco, Viettel Global, GVR… là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Tài chính tuần qua: Vingroup, Sabeco, Viettel Global báo lãi nghìn tỷ trong quý III.

Vingroup: Lãi trước thuế quý III đạt 3.600 tỷ, tăng 42% theo năm

Quý III, doanh thu thuần của Vingroup (HoSE: VIC) đạt 35.914 tỷ đồng, lãi trước thuế 3.609 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 42% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Vingroup, kết quả này có được là nhờ sự phục hồi đáng kể của các mảng bán lẻ, nghỉ dưỡng, công nghiệp. Cụ thể, từ đầu tháng 9, tất cả gian hàng trong trung tâm thương mại đã hoạt động bình thường; lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng ghi nhận sự phục hồi nhẹ khi Vinpearl mở dần các cơ sở tạm đóng trước đó để đón khách trở lại.

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục ghi dấu ấn khi VinFast đã bán ra tổng cộng hơn 3.600 xe ô tô trong tháng 9 – cao nhất từ trước đến nay. VinFast cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối và bảo hành, bảo dưỡng với tổng cộng 49 showroom/xưởng dịch vụ, 24 đại lý ủy quyền cho ô tô và 49 showroom/xưởng dịch vụ, 50 đại lý ủy quyền cho xe máy điện.

VinSmart tiếp tục giữ vững thị phần thuộc top 3 thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất trong quý III và ra mắt thêm ba mẫu điện thoại phổ thông là Star 4, Live 4 và Joy 4. Đặc biệt, mẫu Live 4 cán mốc hơn 14.000 máy bán ra thị trường chỉ sau 10 ngày mở bán. Hai mẫu điện thoại tầm trung và cao cấp là Vsmart Aris và Aris Pro cũng được ra mắt trong quý.

Sabeco lấy lại đà tăng trưởng, quý III lãi sau thuế hơn 1.470 tỷ

Báo cáo tài chính quý III vừa công bố của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) cho thấy doanh thu trong quý đạt 8.052 tỷ đồng, lãi sau thuế quý III đạt hơn 1.470 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và tăng 1% so với cùng kỳ.

Đại diện Sabeco cho biết, lợi nhuận có sự tăng trưởng nhẹ trong khi doanh thu giảm là do công ty đã quản lý chi phí tốt hơn, thực hiện các biện pháp tiết giảm tối đa chi phí.

Tuy nhiên lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco vẫn giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận ở mức giảm 28% và 20%, lần lượt đạt 20.095 tỷ đồng và 3.403 tỷ đồng.

Bởi lẽ, từ đầu năm Sabeco đã là một trong những doanh nghiệp phải chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và Nghị định 100 của Chính phủ (liên quan đến xử phạt lái xe uống rượu bia), gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh.

Cụ thể trong quý I/2020, Sabeco ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận thấp nhất (theo quý) kể từ năm 2016 đến nay. Bước sang quý II, kết quả thu về cho thấy Sabeco đã thích ứng và từng bước lấy lại đà tăng trưởng.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II lần lượt tăng 45% và 69% so với mức thực hiện quý I. Tương tự, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III cũng tăng trưởng lần lượt ở mức 12% và 20% so với mức thực hiện quý II.

Viettel Global lãi trước thuế quý III hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 188%

Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng năm 2020 với doanh thu thuần tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước, từ 4.531 tỷ lên 5.726 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của Viettel Global trong quý III tăng 188%, từ 378 tỷ lên 1.090 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 kể từ đầu năm Viettel Global đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng vọt từ 59 tỷ lên 876 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Global đạt 14.351 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 16% so với cùng kỳ. Do tối ưu chi phí nên lãi gộp tăng 25% lên 5.658 tỷ đồng.

Với đà tăng trưởng được duy trì của Mytel, lợi nhuận từ công ty liên kết đạt hơn 1.511 tỷ đồng trong khi cùng kỳ -15 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 47%, từ 1.548 tỷ lên 2.272 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng tăng 113%, từ 781 tỷ lên 1.664 tỷ đồng.

GVR: Lãi sau thuế quý III đạt 1.191 tỷ đồng mặc dù giá vốn hàng bán tăng mạnh

Quý III, doanh thu của của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) đạt 6.164 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là mảng kinh doanh mủ cao su và chế biến gỗ, tăng 16% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán có mức tăng mạnh mẽ hơn, tăng 25%, khiến lợi nhuận gộp quý III giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.250 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 26% xuống 20%.

Trong quý, GVR ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng đột biến, gấp 6 lần, đạt 924 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ tăng 83% lên 340 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 15% lên 135 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7% còn 363 tỷ đồng.

Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn vẫn duy trì ở mức 1.191 tỷ đồng, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đi ngang 246 đồng.

Lũy kế 9 tháng, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 12.116 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.032 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 12% so với cùng giai đoạn 2019.

Với kết quả này, GVR chỉ mới hoàn thành một nửa mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra trong năm.

9 tháng, MWG báo lãi sau thuế gần 3.000 tỷ đồng

Thông tin từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho hay lũy kế 9 tháng năm 2020, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất 81.352 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.978 tỷ đồng, tăng 0,05%. Như vậy, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, lợi nhuận của MWG đã tăng trở lại.

Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2020.

Bảo vệ được lợi nhuận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến ngành bán lẻ là một điểm đáng chú ý trong tình hình tài chính của MWG. Tuy nhiên, còn một điểm rất đáng chú ý khác là lượng tiền nhàn rỗi của MWG đang tăng lên mức kỷ lục trên 13.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2020, MWG sở hữu tới 10.598 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, toàn bộ là các khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm. Cùng với đó, công ty này còn sở hữu 2.591 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Như vậy, tổng lượng tiền nhàn rỗi của MWG đã lên đến trên 13.000 tỷ đồng, gấp đôi mức 6.300 tỷ đồng cuối năm 2019, chiếm tới khoảng 1/3 tổng tài sản.

Ông Trịnh Văn Quyết trở thành cổ đông lớn nhất của FLC GAB

Trong 5 phiên liên tiếp từ ngày 22/10 đến ngày 28/10, ông Trịnh Văn Quyết đã mua thành công hơn 1,69 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (HoSE: GAB), nâng tổng số cổ phiếu GAB nắm giữ lên 3,376 triệu đơn vị.

Như vậy, ông Quyết đã trở thành cổ đông lớn nhất của FLC GAB với tỷ lệ sở hữu là 24,46%.

Chiếu theo mức giá giao dịch trung bình của GAB trong 5 phiên từ ngày 22/10 đến ngày 28/10, ước tính ông Trịnh Văn Quyết đã chi hơn 310 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại FLC GAB.

Trước đó, ông Quyết cũng đã chi hơn 100 tỷ đồng để gom vào 580.000 cổ phiếu GAB trong 4 phiên liên tiếp từ ngày 15/10 đến ngày 20/10.

Ở chiều ngược lại, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT lại bán ra toàn bộ 1,24 triệu cổ phiếu GAB đang năm giữ, đưa tỷ lệ sở hữu về 0%.

Giao dịch của Tập đoàn FLC diễn ra trong 5 phiên liên tiếp từ ngày 20/10 đến ngày 26/10, ước tính thu về hơn 230 tỷ đồng từ việc thoái vốn.

Theo Tân Mai/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/tai-chinh-tuan-qua-vingroup-sabeco-viettel-global-bao-lai-nghin-ty-trong-quy-iii-20180504224245583.htm