QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tái cơ cấu ở PVN: Tàu thủy Dung Quất đã có lãi, PVTex vẫn lỗ nặng

Trong khi Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) ghi nhận tín hiệu tích cực về lợi nhuận thì PVTex vẫn lỗ nặng tới 610 tỷ đồng trong năm 2019. Lỗ lũy kế của PVTex đến hết năm 2019 lên tới 5.401 tỷ đồng và đã vượt quá vốn góp của chủ sở hữu.

Tái cơ cấu ở PVN: Tàu thủy Dung Quất đã có lãi, PVTex vẫn lỗ nặng

Trong một báo cáo gửi đi vào tháng 6/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết năm 2019, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) ghi nhận tổng doanh thu đạt 481 tỷ đồng, tăng 36 tỷ đồng so với năm 2018. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 63 tỷ đồng, tăng 163 tỷ đồng so với năm 2018. Việc có lợi nhuận dương trong năm vừa qua là một tín hiệu tích cực trong tiến trình tái cơ cấu DQS.

DQS vốn là một trong các công ty hoạt động kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, được PVN nhận về từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy – SBIC).

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và giá trị tài sản thuần của DQS được hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất của PVN lần lượt là 5.866 tỷ đồng và âm (-) 1.190 tỷ đồng (tại ngày nhận bàn giao 1/7/2010 là 6.996 tỷ đồng và âm (-) 1.044 tỷ đồng). Giá trị tài sản thuần âm đến cả nghìn tỷ cho thấy tình hình ở DQS vẫn rất khó khăn.

Trái với diễn biến có phần tích cực ở DQS, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), nay đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan. Thông tin từ PVN cho biết năm 2019, PVTex đạt doanh thu 71 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty này lỗ 610 tỷ đồng trong năm vừa qua.

PVTex là đơn vị vận hành Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, là một trong các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. PVN nhận định tình hình tài chính của PVTex khó khăn, có thời gian nhà máy đóng cửa, bị lỗ liên tục từ khi vận hành đến nay.

Tại ngày 31/12/2019, PVTex có tài sản ngắn hạn nhỏ hơn 3.202 tỷ đồng so với nợ phải trả ngắn hạn (ngày 31/12/2018 là 2.659 tỷ đồng), khiến công ty này bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Lỗ lũy kế của PVTex đến hết năm 2019 lên tới 5.401 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 4.792 tỷ đồng) và đã vượt quá vốn góp của chủ sở hữu.

Tổng tài sản của công ty này cuối năm 2019 là 4.807 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 5.236 tỷ đồng). Nợ phải trả ở mức 7.950 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 7.769 tỷ đồng). Số dư các khoản vay và nợ chủ yếu đã quá hạn, chưa được thanh toán tại ngày 31/12/2019 là 2.490 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 1.976 tỷ đồng).

Một công ty khác thuộc PVN cũng đang trong diện tái cơ cấu và vẫn tiếp tục thua lỗ là Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Năm 2019, công ty này đạt tổng doanh thu 1.088 tỷ đồng, lỗ trước thuế 184 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, lỗ lũy kế của PVC là 3.898 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là 3.686 tỷ đồng), nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 563 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là 248 tỷ đồng).

Phía PVN cho biết PVC đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tại ngày 31/12/2019 chủ yếu bao gồm số dư gốc vay 1.011 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2018 là 1.163 tỷ đồng).

Theo Thanh Long/VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/tai-co-cau-o-pvn-tau-thuy-dung-quat-da-co-lai-pvtex-van-lo-nang-20180504224240117.htm