QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thái Lan đã làm gì để chống lại suy thoái kinh tế do Covid-19?

Thái Lan đã có hàng loạt biện pháp và những thay đổi quan trọng để giúp nền kinh tế nước này chống chọi lại tác động của đại dịch Covid-19.

Thái Lan đã làm gì để chống lại suy thoái kinh tế do Covid-19?

GDP quý II của Thái Lan có thể giảm 13%

Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan, kinh tế nước này trong quý II/2020 có thể suy giảm tới 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là các hoạt động kinh doanh bị đình trệ do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Đây là mức thấp nhất kể từ thời điểm quý I/2008 – khi nền kinh tế Thái Lan suy giảm 12,5% do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Ủy ban hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan đưa ra dự báo kinh tế nước này cả năm 2020 sẽ giảm 7% – 9%, trong khi xuất khẩu giảm 10% – 12% so với năm 2019.

Trước đó, trong quý I/2020, kinh tế Thái Lan suy giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái – mức suy giảm đầu tiên kể từ thời điểm năm 2014.

Hoạt động xuất khẩu của Thái Lan được dự báo giảm 15% năm nay. Đại dich Covid-19 được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm chi tiêu, du lịch, xuất khẩu, việc làm.

Kinh tế giảm sút kéo theo chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Thái Lan trong 3 tháng qua thấp nhất trong giai đoạn hơn 20 năm trở lại đây, chỉ đạt 49,2 điểm trong tháng 6 và 50,1 điểm trong tháng 7.

Nợ hộ gia đình tại Thái Lan tăng cao nhất trong 4 năm

Mức nợ hộ gia đình trên GDP của Thái Lan đã tăng lên 80,1% trong quý I năm 2020, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Tính đến tháng 3, dư nợ hộ gia đình ở mức 13,4 nghìn tỷ baht (432,47 tỷ USD). Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP có thể tăng lên 1.000 tỷ baht (88% – 90%) vào cuối năm nay, mức cao nhất trong 18 năm kể từ khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan lập hồ sơ về nợ hộ gia đình.

Lượng nhân viên có mức chi vượt quá thu nhập hàng tháng có thể tăng từ 6,7 triệu người (trước dịch Covid-19) lên 8,1 triệu người, số lượng lao động phi nông nghiệp tăng từ 2,8 triệu lên 3,8 triệu.

Chính phủ bổ nhiệm thành viên phụ trách kinh tế

Để đối phó với sự suy thoái kinh tế, ngày 6/8, Hoàng gia Thái Lan đã đồng ý bổ nhiệm 6 vị trí mới trong chính phủ nước này.

Các vị trí mới được bổ nhiệm bao gồm: ông Supattanapong Punmeechaow giữ chức bộ trưởng Bộ Năng lượng kiêm phó thủ tướng chính phủ; ông Predee Daochai giữ chức bộ trưởng Bộ Tài chính;

Đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai kiêm nhiệm vị trí phó thủ tướng chính phủ; ông Anucha Nakasai giữ chức bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng;

Ông Anek Laothamatas giữ cương vị bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, khoa học, nghiên cứu và đổi mới; ông Suchat Chomklin giữ cương vị bộ trưởng Bộ Lao động.

Theo Hiến pháp Thái Lan, các phó thủ tướng và bộ trưởng mới được bổ nhiệm này sẽ chính thức nắm quyền sau khi họ tuyên thệ trước nhà vua.

Nhóm tân lãnh đạo phụ trách kinh tế Thái Lan được kỳ vọng sẽ đưa ra các đường lối chính sách phù hợp để vực dậy nền kinh tế Thái Lan sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế do cựu Phó thủ tướng Somkid Jatusripitak cùng các cựu bộ trưởng phụ trách kinh tế đề ra và đang thực hiện.

Cân nhắc thay đổi chính sách gạo nhằm tăng sức cạnh tranh

Với việc đồng baht tiếp tục tăng giá so với USD và chi phí sản xuất tăng, giá gạo Thái Lan bị neo ở mức cao, khiến sức cạnh tranh giảm. Tại thời điểm đầu tháng 8/2020, mức giá FOB gạo trắng 5% tấm được giao dịch ở mức 460 USD/ tấn, cao hơn 90 USD so với gạo đồng hạng của Ấn Độ.

Trước tình hình này, chính phủ Thái Lan đang cân nhắc thay đổi chính sách gạo, trong đó tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu các giống gạo mới. Đây là nội dung trọng tâm của chiến lược sản xuất gạo giai đoạn 2020-24 đã được Bộ Thương mại Thái Lan công bố vừa qua.

Nhóm các loại gạo sẽ được tập trung phát triển chia làm 3 phân khúc bao gồm: phân khúc cao cấp (gạo hom mali, gạo hương); phân khúc đại trà (gạo trắng mềm, gạo trắng cứng, gạo đồ, gạo nếp và gạo đặc biệt); phân khúc đặc biệt (gạo nếp và gạo đặc biệt).

Bộ Thương mại Thái Lan sẽ làm việc cùng Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo để tìm kiếm các đối tác mới nhằm mở rộng thị trường do gạo Thái Lan vẫn được nhiều đối tác quốc tế quan tâm do chất lượng. Trưởng đại diện các cơ quan thương vụ của Thái Lan tại nước ngoài cũng được khuyến khích quảng bá, tìm kiếm thị trường tiềm năng.

Cho phép 4 nhóm khách quốc tế nhập cảnh trở lại

Mới đây, Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) đã bãi bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với 4 nhóm khách quốc tế bao gồm: khách quốc tế có thị thực dài hạn, bao gồm vợ/chồng, con cái đi kèm; giấy phép lao động; được phép nhập cảnh trong trường hợp đặc biệt; lao động nước ngoài nếu nhà quản lý lao động được cấp phép nhập cảnh lao động.

Hiện nay, tất cả người nhập cảnh vào Thái Lan đều phải thực hiện cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên theo Hiệp hội khách sạn Thái Lan, số lượng phòng khách sạn phục vụ việc cách ly cho khách quốc tế có nguy cơ thiếu hụt.

Nguyên nhân là các chi phí y tế phát sinh, không đủ bù đắp chi phí đầu tư về cải tạo cơ sở vật chất phù hợp với các quy định khiến các nhà điều hành khách sạn e ngại trong việc nhận khách cách ly.

Tính đến thời điểm ngày 31/7, Thái Lan hiện có 31 khách sạn với tổng số 3.385 phòng đủ tiêu chuẩn để thực hiện cách ly khách quốc tế.

Đề xuất chính sách 2 mức giá đối với người bản địa và nước ngoài

Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan có kế hoạch trình thủ tướng nước này đề xuất áp dụng chính sách 2 mức giá đối với người Thái và du khách nước ngoài tại các địa điểm thăm quan, du lịch.

Hiện có nhiều ý kiến liên quan đến chính sách giá hai mức giá Thái Lan đang áp dụng. Đề xuất của Bộ Thể thao và Du lịch sẽ được cân nhắc kỹ trên cơ sở mức phù hợp và độ sẵn sàng chi trả của khách quốc tế – nhóm khách đóng góp doanh thu xấp xỉ 1 tỷ baht (trên 30 triệu USD) vào doanh thu hàng năm của ngành du lịch.

Trước đó, chính phủ Thái Lan đã áp dụng chứng nhận điều hành an toàn và sức khỏe (SHA) đối với các doanh nghiệp điều hành nhằm bảo đảm đáp ứng đủ các yếu tố an toàn trong quá trình kinh doanh. Hiện Thái Lan có 4.021 doanh nghiệp được cấp chứng nhận SHA bao gồm 1.010 doanh nghiệp tại Bangkok, 498 tại Phuket và 340 tại Chiang Mai.

Hỗ trợ hàng triệu nông dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Ngày 28/4, Thái Lan đã thông qua quỹ hỗ trợ trị giá 150 tỷ baht để giúp đỡ 10 triệu nông dân bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Mỗi người được nhận 5.000 baht chuyển vào tài khoản mỗi tháng cho đến tháng 7. Khoản hỗ trợ này do ngân hàng nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) đứng ra cung cấp vì có tới 7 triệu nông dân là khách hàng của BAAC.

Vừa qua, BAAC đã duyệt bổ sung thêm khoảng 73.000 đơn trong số 190.000 đơn đề nghị được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nâng tổng số nông dân đủ điều kiện nhận hỗ trợ lên gần 7,6 triệu người.

Sử dụng công cụ thuế để giảm thiệt hại do dịch Covid-19

Bộ Tài chính Thái Lan đã tiến hành giảm thuế thu nhập của cá nhân và một số doanh nghiệp. Đây là giải pháp hỗ trợ trong thời gian dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Thuế suất áp cho mặt hàng xe ba bánh điện đã được giảm từ 4% xuống còn 2% để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và khuyến khích các nhà sản xuất xe ba bánh, duy trì việc làm trong thời kỳ khó khăn.

Thuế doanh thu từ mặt hàng nước ép trái cây và rau quả giảm từ 20% xuống còn 10%. Bộ Tài chính miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn bao gồm spa, nhà hàng, quán bar và các loại hình giải trí khác.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, thời gian để hoàn thành xuất khẩu hàng hóa miễn thuế được tăng từ 15 ngày lên 30 ngày và cho phép gia hạn thêm tối đa đến 120 ngày nếu cần thiết.

Theo Vĩnh Chi/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/thai-lan-da-lam-gi-de-chong-lai-suy-thoai-kinh-te-do-covid-19-20180504224242409.htm