QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thanh toán qua ví điện tử còn nhiều lỗ hổng

Bùng nổ như “nấm mọc sau mưa”, Ví điện tử – cổng thanh toán trực tuyến đang trở thành kênh thanh toán ngày càng phổ biến thay thế tiền mặt. Tuy nhiên, với chế tài xử phạt còn quá nhẹ, cùng tính bảo mật của ví điện tử, cổng thanh toán còn nhiều lỗ hổng, dễ bị tấn công, gây rủi ro cho người dùng.

Cùng với các hình thức giao dịch ngân hàng điện tử, như internet banking, sms banking…, ví điện tử đang là một dịch vụ phổ biến đối với những người dùng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cùng với những tính năng hiện đại của các loại hình giao dịch điện tử, những rủi ro mang lại cho người sử dụng cũng không ít, nếu người dùng chưa thực sự biết cách bảo mật thông tin. Sau tình trạng tài khoản thẻ ATM của khách hàng bỗng dưng bị “bốc hơi” cả vài trăm triệu đồng trong một đêm, hay khách hàng đang ở Hà Nội nhưng thẻ tín dụng lại bị sử dụng ở Singapore… cảnh báo về những “lỗ hổng” trong hệ thống ngân hàng, mới đây, một khách hàng ở TP Huế bỗng dưng bị mất tiền trong ví điện tử Momo, một lần nữa khiến những người thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử lo lắng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khách hàng bị kẻ gian lợi dụng lấy tiền trong ví điện tử một phần do khách hàng mất cảnh giác.

Thanh toán qua ví điện tử còn nhiều lỗ hổng. Ảnh minh họa

Theo thống kê, đến nay đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 41 thực hiện qua điện thoại di động. Trong năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet là 255 triệu với giá trị giao dịch là 16 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 33,6% và 19,5% so với năm 2017). Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là 155 triệu với giá trị giao dịch khoảng 1,86 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 41% và 169% so với năm 2017).

Song, với sự phát triển quá nhanh, quá ồ ạt, việc thành toán qua internet này cũng đang dẫn tới nhiều vấn đề rủi ro phát sinh cho người dùng.

Qua việc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, trực thuộc NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức trung gian thanh toán. Theo đó, đã phát hiện một số tồn tại, vi phạm như: ký kết hợp đồng với một số đối tác tham gia hệ thống thanh toán trực tuyến trước thời điểm được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; không kiểm tra thông tin của đối tác là đối tượng chưa được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; chưa thực hiện rà soát, chỉnh sửa quy chế về bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin theo quy định; chưa lập danh sách các dữ liệu cần sao lưu theo quy định.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, NHNN đã đưa ra 13 kiến nghị yêu cầu khắc phục tồn tại, sai phạm, đồng thời ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 520 triệu đồng. Các đơn vị bị xử phạt gồm: VNPT Epay, Wepay, CTCP phát triển thể thao điện tử Việt Nam; Công ty dịch vụ di động trực tuyến (sở hữu ví Momo), Công ty TNHH Zion, CTCP dịch vụ trực tuyến Việt Úc.

Theo Hoài Dương/Thời báo chứng khoán