QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thấy gì từ số lãi 17,2 tỷ đồng của Ngân hàng Quốc Dân?

Lợi nhuận của NCB đang kém xa các nhà băng cùng quy mô vốn 3.000 tỷ đồng

Trong 9 tháng qua, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chỉ đạt con số lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn… 17,2 tỷ đồng do phải trích lập tới 93,8 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng. Dòng tiền kinh doanh của NCB cũng đang gặp “vấn đề” đáng chú ý.

 Dự phòng rủi ro “ngốn” hết lãi

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý III/2018, Ngân hàng NCB vẫn ghi nhận tăng trưởng kinh doanh ở mảng chính là dịch vụ. Cụ thể, trong quý 3 vừa qua, NCB đạt 253 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, trong đó, lãi thuần từ mảng dịch vụ đạt 4 tỷ đồng, mảng kinh doanh ngoại hối bị lỗ 14 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng báo lỗ 15,5 tỷ đồng. Hoạt động khác chỉ lãi vỏn vẹn… 391 triệu đồng.

Chi phí hoạt động quý 3 đã tăng lên mức 223,4 tỷ đồng, nâng tổng chi phí hoạt động 9 tháng qua lên 714,8 tỷ đồng.

Do quý 3 NCB phải trích lập dự phòng rủi ro gần 16 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn gần 1,6 tỷ đồng (quý 3/2017 cũng chỉ lãi gần 2 tỷ đồng).

Tính chung 9 tháng qua, NCB ghi nhận lợi nhuận thuần từ kinh doanh hơn 111 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Song việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã “ngốn” mất 23,6 tỷ đồng cộng với 70,2 tỷ đồng dành cho xử lý các khoản theo đề án tái cấu trúc. Do vậy, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 17,2 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế là 13,8 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản sụt giảm

Tại ngày 30/9/2018, tổng tài sản của NCB bị sụt giảm hơn 2.336 tỷ đồng (giảm 3,25%), xuống chỉ còn 69.505 tỷ đồng. NCB giải thích việc sụt giảm tổng tài sản là do ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu lại danh mục tài sản, giảm khá lớn phần vốn vay từ các Tổ chức tín dụng khác. Dù thế tổng tài sản của nhà băng đã tăng gấp hơn 3 lần, huy động vốn và tín dụng cao hơn 2,6 lần so với 5 năm trước.

Có thể nói rằng, việc giảm tổng tài sản ở mức độ tới 2.336 tỷ đồng như NCB là trường hợp hãn hữu trong vài năm gần đây, nhất là trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng ở mức cao. Trừ trường hợp sụt giảm tài sản đáng kể ở các ngân hàng yếu kém, ngân hàng 0 đồng như CBBank, Oceanbank… do quá trình tái cơ cấu có thể dẫn tới sụt giảm một số hạng mục tài sản nào đó, dẫn tới sụt giảm tổng tài sản chung. Điều này gây ngạc nhiên cho cổ đông và nhà đầu tư của NCB.

Việc sụt giảm tài sản ngân hàng có thể nằm ở các khoản tiền gửi tại NHNN, tiền gửi và cho vay các TCTC khác, cho vay khách hàng… Song đến hết tháng 9, tăng trưởng cho vay khách hàng của NCB đã tăng nhẹ 8,2% lên mức 34.772 tỷ đồng. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng lên mức 47.144 tỷ đồng… Có khả năng tài sản của NCB đã bị “bốc hơi” ở một khoản mục nào đó và được phản ánh trong Thuyết minh BCTC quý 3/2018 đã không được công bố công khai.

Do NCB không công bố chi tiết thuyết minh BCTC quý 3 nên hiện chưa rõ chất lượng nợ xấu 9 tháng qua của ngân hàng ra sao, có khả năng nợ xấu tiếp tục tăng nên số dư trích lập dự phòng rủi ro cho vay đến cuối kỳ đã tăng lên gần 426,4 tỷ đồng.

Hiện, vốn điều lệ của NCB vẫn duy trì ở mức 2.980 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 3.210 tỷ đồng, trong đó số luỹ kế lợi nhuận chưa phân phối đến cuối kỳ là hơn 72 tỷ đồng.

 Dòng tiền thuần lưu chuyển kinh doanh âm

Bản BCTC quý 3 vắn tắt của NCB còn tiết lộ vấn đề đáng ngại về dòng tiền thuần lưu chuyển kinh doanh đã bị âm khá lớn.Cụ thể, tại thời điểm 30/9/2018, lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh bị âm 5.761 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số âm 3.575 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, dẫn tới lưu chuyển tiền thuần trong kỳ bị âm 5.450 tỷ đồng.

Dòng tiền lưu chuyển thuần âm có thể được chấp nhận trong ngắn hạn nếu ngân hàng xoay sở, cân đối dòng tiền khác từ hoạt động tài chính để bù đắp. Song trong hơn 1 năm qua, báo cáo cho thấy NCB vẫn duy trì dòng tiền lưu chuyển kinh doanh ở mức âm lớn hàng nghìn tỷ đồng. Điều này đang phản ánh “sức khoẻ” tài chính đáng ngại của ngân hàng, đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng cân đối dòng tiền để có thể tiếp tục duy trì các hoạt động, đầu tư hiệu quả?

Theo Hải Hà/Doanh nghiệp Thương Hiệu