QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thế giới tuần qua: Các nước giàu ‘đua nhau’ chia sẻ vaccine Covid-19, Trung Quốc thông qua luật chống trừng phạt

Mỹ viện trợ quân sự bổ sung trị giá 150 triệu USD cho Ukraine; Trung Quốc thông qua luật chống trừng phạt của nước ngoài; các nước giàu ‘đua nhau’ chia sẻ vaccine Covid-19; Đức tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ để kéo dài hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

(Ảnh minh họa).

Mỹ viện trợ quân sự bổ sung trị giá 150 triệu USD cho Ukraine

Lầu Năm Góc ngày 11/6 thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 150 triệu USD cho Ukraine.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết gói viện trợ quân sự nói trên, bao gồm các hệ thống radar, máy bay do thám không người lái, thiết bị bảo vệ thông tin, sẽ bổ sung cho gói trị giá 125 triệu USD đã thông báo hồi tháng 3.

Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ gói ngân sách trị giá 150 triệu USD này dành cho “Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine” nhằm giúp các lực lượng của Ukraine duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm an ninh biên giới và cải thiện khả năng tương tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Với gói viện trợ bổ sung, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giải ngân toàn bộ quỹ hỗ trợ an ninh đã được Quốc hội phê chuẩn cho Ukraine trong tài khóa 2021.

Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau tại Geneva giữa tháng này và vấn đề Ukraine có thể là một trong các chủ đề thảo luận.

Trung Quốc thông qua luật chống trừng phạt của nước ngoài

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 10/6 đưa tin nước này đã thông qua luật chống các lệnh trừng phạt của nước ngoài.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuần trước mở rộng “danh sách đen” các công ty mà người Mỹ không được phép đầu tư.

Cụ thể, đạo luật mới quy định các cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng cũng như thực thi các biện pháp phân biệt đối xử, đối với công dân và các tổ chức của Trung Quốc, sẽ bị đưa vào danh sách chống trừng phạt.

Công việc này sẽ do một “bộ liên quan” của Chính phủ Trung Quốc đảm nhiệm. Những đối tượng có mặt trong danh sách có thể không được nhập cảnh vào Trung Quốc hoặc bị trục xuất khỏi quốc gia này. Các tài sản của họ tại Trung Quốc cũng có thể bị siết hoặc đóng băng.

Ngoài ra, các đối tượng này cũng có thể bị cấm làm ăn cùng công dân và các tổ chức Trung Quốc.

Luật trên là một trong những công cụ pháp lý mới và bao phủ nhất giúp Bắc Kinh đáp trả các trừng phạt của nước ngoài. Đạo luật này cũng được cho là sẽ giúp những biện pháp đáp trả của Bắc Kinh tăng thêm tính hợp pháp và dễ dự đoán hơn.

Các nước giàu ‘đua nhau’ chia sẻ vaccine Covid-19

Theo tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bắt đầu diễn ra ngày 11/6, G7 nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới.

Ngoài ra, Anh, nước đăng cai hội nghị này, tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong vòng năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay.

Theo văn phòng Thủ tướng Anh, khoảng 80% trong số vaccine trên sẽ chuyển đến chương trình COVAX – cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước nghèo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Trước đó cùng ngày, Mỹ tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến kêu gọi các nước giàu tăng cường chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 với các nước kém phát triển hơn và các tổ chức từ thiện cảnh báo tình trạng “phân biệt chủng tộc về vaccine”.

Đức tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ để kéo dài hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine

Ông Jens Ploetner, giám đốc viện chính trị thuộc Bộ Ngoại giao Đức, ngày 11/6 tuyên bố Đức sẵn sàng nỗ lực cùng với Liên minh châu Âu (EU) nhằm gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sau năm 2024.

“Điểm quan trọng đối với chính phủ Đức là sau khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine vẫn tiếp tục và an ninh năng lượng của Ukraine được đảm bảo. Chúng tôi sẵn sàng cùng với EU nỗ lực để kéo dài thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine cho giai đoạn sau năm 2024”, ông Jens Ploetner, giám đốc viện chính trị thuộc Bộ Ngoại giao Đức, ngày 11/6 cho biết.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hôm 31/5, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky khẳng định nước này sẽ không ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine khi hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2, miễn là các hợp đồng liên quan còn hiệu lực.

Ông cho biết thêm khi các thực thể kinh tế đạt được thỏa thuận, nếu nhu cầu về khí đốt của Nga ở một số khu vực châu Âu vẫn còn, nguồn nhiên liệu này vẫn sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng một cách an toàn.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án kinh tế độc lập, không liên quan đến việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine đã được quy định trong hợp đồng hiện tại.

Theo Minh Đăng/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/the-gioi-tuan-qua-cac-nuoc-giau-dua-nhau-chia-se-vaccine-covid-19-trung-quoc-thong-qua-luat-chong-trung-phat-20180504224254378.htm