QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường chứng khoán đầu 2022 gặp khó: Có nên chuyển sang đầu tư bất động sản?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động, lạm phát tăng cao, bất động sản vẫn là kênh đầu tư dài hạn, ổn định và an toàn, ít biến động hơn so với các loại hình đầu tư khác.

Khi thị trường chứng khoán ngắn hạn gặp khó

Phiên giao dịch ngày 17/1/2022 diễn ra với áp lực bán tăng mạnh, đặc biệt tại các cổ phiếu “nóng” như bất động sản, xây dựng. Hàng loạt cổ phiếu như CEO, CII, DIG, DXG, FCN, HBC, HQC, NBB, LDG, SCR, VPH, PHC,… liên tiếp bị bán tháo mạnh kéo dài suốt 4 phiên giao dịch.

Nhóm FLC cũng tiếp tục giảm sàn mất thanh khoản với dư bán sàn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư “đu đỉnh” FLC, ROS đã mất hơn 1/4 tài sản chỉ sau 4 ngày.

Theo chuyên gia bất động sản Trần Minh, dòng tiền đang chạy khỏi các cổ phiếu bất động sản và đi tìm nơi trú ẩn sau khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu và Tân Hoàng Minh đơn phương hủy hợp đồng mua đất vàng Thủ Thiêm.

“Hiện tại yếu tố rủi ro vẫn còn tiềm ẩn nên tạm thời nhà đầu tư cần cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro đồng thời đánh giá lại trạng thái của thị trường khi tín hiệu rõ nét hơn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, tiềm ẩn rủi ro cao, nhiều nhà đầu tư F0 đã tính đến việc dịch chuyển dòng tiền từ thị trường cổ phiếu bất động sản sang đầu tư trực tiếp vào bất động sản”, ông Minh nói.

Dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản vẫn cho thấy nhiều chỉ số khả quan cho tăng trưởng như giá bất động sản không giảm, nhu cầu cao, thu hút vốn đầu tư lớn. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào.

“Thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào các kênh có tiềm năng gia tăng giá trị lớn như bất động sản”, ông Minh đánh giá.

Ông Minh phân tích, mặc dù nhu cầu mua để ở giảm do nhiều người giảm thu nhập. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư bất động sản lại có dấu hiệu tăng lên do thị trường hút lượng tiền lớn từ các lĩnh vực, thị trường khác như chứng khoán, sản xuất kinh doanh…

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động, lạm phát tăng cao, bất động sản vẫn là kênh đầu tư dài hạn, ổn định và an toàn, ít biến động hơn so với các loại hình đầu tư khác.

Ngay sau khi tình hình giãn cách được nới lỏng, cùng với các chiến dịch vaccine phủ sóng rộng rãi, nhu cầu tìm mua bất động sản cũng nhanh chóng hồi phục theo tiến trình mở cửa, nhiều phân khúc đã có sự bứt phá mạnh mẽ, thu hút dòng tiền nhà đầu tư.

“Trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã lướt sóng thành công, tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản lúc này khi thị trường chứng khoán không còn hấp dẫn đối với họ”, ông Minh nói.

Đầu tư – đón “sóng” BĐS và lưu ý các rủi ro

Một vấn đề then chốt trong hoạt động đầu tư bất động sản tại Việt Nam hiện nay là yếu tố quỹ đất và các vấn đề pháp lý. Các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng mở rộng tài sản đầu tư là các quỹ đất ở các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và Nha Trang.

Bên cạnh đó, các quỹ đất lớn là yếu tố mà họ rất quan tâm để mở rộng các khu đô thị sau này, đặc biệt là theo các tuyến đường dọc các thành phố có đường biển dài.

TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.

Nhận định về các đợt sóng bất động sản hay những đợt “sốt” đất được thị trường đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, sóng luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên.

Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh, dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều.

Theo chuyên gia này, hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau. Tuy nhiên không phải ai cũng đầu tư chứng khoán được và vì thế lúc đó bất động sản là cơ hội.

TS Khương chia sẻ, đón sóng không dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công. Trong năm 2022 – 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy, đầu tư và chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong 2022 – 2023.

Bên cạnh việc chỉ ra những cơ hội đón “sóng”, TS Khương cũng chỉ ra những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý trong giai đoạn này. Cụ thể, nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Riêng về thị trường bất động sản nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp.

Đối với người dân, với khoảng tầm 1 – 3 tỷ đồng để mua một sản phẩm nhà ở tại TP HCM cũng là một câu chuyện lớn. Như vậy, nếu rủi ro có xảy ra, tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là rớt giá vì những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Để tận dụng những lợi thế của thị trường, cũng như tránh những rủi ro không đáng có, TS Khương đã đưa ra một số lời khuyên cho các nhà đầu tư có nhu cầu muốn đầu tư vào bất động sản trong thời gian tới.

Nhà đầu tư mua bất động sản để ở cần cân nhắc để mua. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư cần cân nhắc lại phương án kinh doanh và giảm kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước.

Do vậy, nhà đầu tư cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của nhà đầu tư sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi.

Theo Thanh Long/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-chung-khoan-dau-2022-gap-kho-co-nen-chuyen-sang-dau-tu-bat-dong-san-108815.html