QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường ‘đỏ lửa’, VN-Index giảm gần 45 điểm

Áp lực bán chi phối thị trường khiến VN-Index giảm mạnh lui về 1048,69 điểm trong phiên 6/12. Sau nhịp phục hồi tích cực, VN-Index đã xuất hiện những tín hiệu điều chỉnh đầu tiên cho thấy tâm lý chốt lời của nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Áp lực bán bất ngờ xuất hiện ngay từ đầu phiên sáng 6/12 khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với hơn 300 mã giảm điểm. Hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, BID, HPG đều chịu sự điều chỉnh mạnh đè nặng sự tiêu cực lên thị trường.

Tuy nhiên, sắc xanh vẫn tìm đến những cổ phiếu riêng lẻ thuộc ngành phân đạm, thủy sản như DPM DCM, ANV. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép và bất động sản chịu mức giảm lớn nhất hơn 3%.

Sự tiêu cực vẫn tiếp tục diễn ra trong đầu phiên chiều khi thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng kéo chỉ số chung về quanh mốc 1070. Tuy tiếp tục mua ròng nhưng lực mua của khối ngoại đã giảm đi đáng kể so với các phiên trước đó, chỉ mua ròng với thanh khoản 682 tỷ, tập trung ở các mã SSI, FUEVFVND, VHM.

Thị trường chứng khoán “đỏ lửa” trên nền thanh khoản cao. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Công ty CP chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), kết thúc phiên giao dịch ngày 6/12, VN-Index giảm 44,98 điểm (-4,11%) xuống 1.048,69 điểm, HNX-Index giảm 7,16 điểm (-3,26%) xuống 212,8 điểm. Thanh khoản phiên hôm nay gia tăng so với phiên trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2022. Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến các chỉ số chủ chốt kết phiên ở mức thấp nhất.

Khối ngoại tiếp tục hỗ trợ cho thị trường Việt Nam khi mua ròng phiên thứ 12 liên tiếp trên sàn HOSE nhưng với giá trị mua ròng có sự suy yếu, mặc dù vẫn là khá lớn với 782,16 tỷ đồng. SSI, VHM và FUEVFVND là 3 mã chứng khoán được mua ròng mạnh nhất với lần lượt 152, 134, 98 tỷ đồng. DCM là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị ròng 40 tỷ đồng.

Độ rộng toàn thị trường hôm nay nghiêng hẳn về tiêu cực với 234 mã tăng, 118 mã tham chiếu, 729 mã giảm tính trên cả ba sàn.

Dẫn đầu đà giảm là các cổ phiếu trụ cột như VCB (-5,9%), VHM (-5,7%), BID (-5,2%), VPB (-6,9%), HPG (-7%). Năm cổ phiếu kể trên đã đóng góp đến 16,4 điểm vào mức giảm chung của VN-Index. Ở chiều ngược lại, VHC (+7%), DCM (+4,3%), HAG (+7%) là ba mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index nhưng với chỉ 0,5 điểm cộng thêm.

Sau chuỗi ngày tăng mạnh, cổ phiếu chứng khoán bị chốt lời mạnh và đồng loạt giảm hết biên độ như VCI (-6,9%), HCM (-6,8%), VIX (-7%), MBS (-9,9%)… Nhóm ngân hàng cũng hết sức tiêu cực với STB (-7%), VPB (-6,9%), MBB (-6,8%), VIB (-6,8%) đồng loạt nằm sàn và trắng bên mua.

Cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tương tự hai nhóm kể trên. NVL (-7%), DIG (-7%), PDR (-6,9%), CEO (-9,9%), DXG (-7%), HPX (-7%)… cũng giảm sàn.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nông lâm ngư nghiệp thu hút được dòng tiền và tăng giá tích cực với DBC (+4,2%), VHC (+7%), IDI (+6,8%), BAF (+3,3%), HNG (+6,8%), ANV (+6,8%)…

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2022 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức chênh lệch lên thành -8,06 điểm.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, các nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, có thể bán lướt sóng với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công và mua lại trong những phiên rung lắc mạnh.

Với quan điểm tích cực, các chuyên gia của SHS nhận định thị trường có thể có những phiên điều chỉnh tiếp theo nhưng sẽ sớm trở lại xu hướng tăng trong thời gian tới để hướng tới ngưỡng kháng cự 1.150 điểm. Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, đợt điều chỉnh này là cơ hội để mua vào cổ phiếu.

Đối với nhà đầu tư trung, dài hạn đợt điều chỉnh sẽ là cơ hội gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu, mục tiêu giải ngân nên hướng tới nắm giữ trung hạn và lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn sụt giảm vừa qua.

Theo Nguyễn Luận/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/thi-truong-do-lua-vn-index-giam-gan-45-diem-p43515.html