QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thiếu vốn đầu tư, lợi nhuận sa sút Vietinbank “mắc cạn” ở dự án tháp 68 tầng

Sau gần 9 năm đầu tư, dự án tháp trụ sở chính Vietinbank Tower cao 68 tầng tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội) vẫn nằm bất động, xây dựng dở dang. Ngân hàng muốn bán toàn bộ dự án này để thu hồi vốn trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm mạnh, thiếu nguồn vốn…

Vietinbank khó bố trí được nguồn vốn để tiếp tục hoàn thành toà tháp trụ sở mới cao 68 tầng

Ưu tiên bán toàn bộ “tháp thập kỷ”

Trong các lựa chọn tái cơ cấu dự án tháp trụ sở chính Vietinabank Tower, ngân hàng vừa cho biết sẽ ưu tiên và đang thực hiện theo phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản dự án.

Theo phương án này, VietinBank sẽ thuê mua lại tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, ngân hàng này sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.

Việc tái cơ cấu dự án sẽ được ngân hàng thực hiện khẩn trương, theo các quy định của pháp luật và phê duyệt theo quy định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc thuê mua tài sản sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Như vậy, đến nay sau gần một thập kỷ theo đuổi dự án 10 nghìn tỷ, Vietinbank đã quyết định sẽ ưu tiên bán lại dự án cho đối tác khác và thuê mua lại. Đây là 1 trong 2 phương án đã được ĐHCĐ bất thường ngày 8/12/2018 của Vietinbank thông qua.

Tại đại hội này, ngoài phương án thứ nhất nêu trên, Vietinbank đề xuất phương án thứ hai là sẽ chuyển nhượng một phần tài sản của dự án gồm tòa tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác. VietinBank sẽ sở hữu tòa tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Đối với phương án này, ngân hàng sẽ xin chủ trương Ngân hàng Nhà nước để hoàn thành Tòa nhà Trụ sở chính tháp 68 tầng.

Trong thời gian chưa chuyển nhượng được toàn bộ hoặc một phần dự án, phương án thứ ba được VietinBank đưa ra là tiếp tục triển khai, xử lý phù hợp những công việc phát sinh.

Được biết, dự án xây dựng tháp trụ sở chính Vietinbank Tower được khởi công từ năm 2010 với quy mô diện tích 30.000m2, tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 10.267 tỷ đồng. Theo quy hoạch thời điểm đó, dự án sẽ gồm 2 tòa tháp 68 và 48 tầng để phục vụ cho nhu cầu văn phòng, kinh doanh của Vietinbank.

Tuy nhiên sau 9 năm triển khai xây dựng, cho đến nay dự án này vẫn đang ở tình trạng dạng tài sản dở dang, do Vietinbank không bố trí được nguồn vốn để hoàn thiện dự án.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2018, đến cuối kỳ, tổng giá trị tài sản cố định và bất động sản đầu tư của Vietinbank tăng lên tới hơn 11.115 tỷ đồng. Giá trị xây dựng dở dang của các công trình miền Bắc đến giữa năm 2018 ghi nhận hơn 4.900 tỷ đồng.

10 năm triển khai dự án Vietinbank Tower đến giờ công trình vẫn dở dang, phải bán đi thu hồi vốn đầu tư

Vì sao thiếu vốn đầu tư?

Trong vòng 3 năm trở lại đây, sau khi ông Nguyễn Văn Thắng kế nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vietinbank, hoạt động kinh doanh của ngân hàng trở nên khó khăn với doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh.

Báo cáo tài chính cho thấy, quý 4/ 2018, Vietinbank chỉ đạt thu nhập lãi thuần hơn 572 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ quý 4/2017. Trong đó, các mảng kinh doanh chính vẫn có lãi còn riêng mảnh chứng khoán kinh doanh bị lỗ gần 112 tỷ đồng. Trong quý 4, ngân hàng đã cắt giảm 29,2% chi phí hoạt động chỉ còn 3.558 tỷ đồng, cắt giảm 65% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ còn 583 tỷ đồng.

Dù vậy, lợi nhuận thuần từ kinh doanh trước dự phòng rủi ro của Vietinbank vẫn bị lỗ gần 1.436 tỷ đồng.

Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế bị lỗ hơn 853,4 tỷ đồng và là quý đầu tiên báo lỗ kể từ khi Vietinbank thay Chủ tịch HĐQT mới là ông Lê Đức Thọ vào tháng 11/2018.

Luỹ kế cả năm 2018, thu nhập lãi thuần của chỉ đạt 22.520 tỷ đồng, giảm tới 4.553 tỷ đồng so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.742 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 5.427 tỷ đồng, giảm 27,2% so với kết quả của năm 2017.

Không chỉ lợi nhuận sa sút mà Vietinbank còn chịu áp lực xử lý khối nợ xấu khổng lồ từ cho vay, đầu tư với chất lượng nợ xấu đáng ngại. Thuyết minh BCTC cho thấy, dư nợ xấu (nhóm 3- 5) của ngân hàng đến cuối năm 2018 tăng lên hơn 13.518 tỷ đồng.

Trong số này, nợ xấu nhóm 5- có nguy cơ mất vốn chiếm tới hơn 70%, tương đương gần 9.470 tỷ đồng và tăng thêm hơn 4.253 tỷ đồng nợ mất vốn trong năm vừa qua.

Riêng khối nợ xấu có nguy cơ mất vốn đã lớn hơn nhiều số lợi nhuận làm ra của Vietinbank trong năm 2018.

Trong khi đó, nguồn vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2018 của Vietinbank tăng lên 67.469 tỷ đồng, bao gồm: vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 37. 234 tỷ đồng, thặng dư vốn hơn 8.975 tỷ đồng, quỹ các TCTD hơn 8.153 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối hơn 12.009 tỷ đồng… Tuy nhiên, Vietinbank có chủ trương ưu tiên cho việc tăng vốn điều lệ, thậm chí từng đôi lần “xin” Ngân hàng Nhà nước cho phép không chia cổ tức hàng năm để dành nguồn tăng vốn.

Hoạt động kinh doanh đi xuống, nợ xấu lớn cùng áp lực tăng vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định… đang khiến cho Vietinbank khó có thể dành nguồn vốn tới 10 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng trụ sở mới.

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường