QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thời kỳ “vàng son” của nhóm cổ phiếu công nghệ đã qua?

Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới vừa chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất trong suốt thập kỷ vừa qua. Khi nhiều công ty báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù vậy, giá cổ phiếu hiện tại vẫn đang ở mức rất cao so với triển vọng thu nhập trong vài năm tới.

Doanh thu tăng – cổ phiếu giảm

Trên thị trường chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư tin rằng một cổ phiếu đã tăng giá trong thời gian dài thì sẽ tiếp tục tăng thêm nữa trong phiên tiếp theo. Warren Buffett ví hiện tượng này với tình huống trong môn bóng rổ, rằng một vận động viên ném bóng vào rổ thành công vài lần liên tiếp thì rất có thể sẽ tiếp tục thành công ở lần tiếp theo. Theo đó, nhà đầu tư căn cứ vào các triển vọng kinh doanh được dự phòng trước nhiều năm trong tương lai để mua cổ phiếu với mức giá hiện tại. Chỉ cần một công ty niêm yết được nhiều nhà phân tích đồng thuận về khả năng tạo ra lợi nhuận lớn trong một vài năm tới, cổ phiếu của công ty đó sẽ ngay lập tức được các nhà đầu tư săn đón mua vào cho đến khi giá phản ánh hết các triển vọng nói trên.

Những cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất thế giới trong nhóm FAANG (bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google Alphabet) đã miệt mài tăng trưởng trong suốt 10 năm qua kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. So với mức giá năm 2008, cổ phiếu của Google tăng giá khoảng 6 lần, Apple tăng khoảng 10 lần và Amazon tăng khoảng 20 lần tại thời điểm đầu tháng 10/2018.

Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, tất cả các cổ phiếu trong nhóm trên đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ từ 15% – 20% so với mức đỉnh kéo theo chuỗi những phiên giảm điểm mạnh và liên tiếp của các cổ phiếu công nghệ khác cũng như thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường chứng khoán khác trên thế giới nói chung.

Nhiều người bi quan cho rằng, đợt giảm giá mạnh lần này, cùng với các dấu hiệu bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu chính là dấu hiệu chấm dứt thị trường lên giá kéo dài trong suốt thập kỷ qua. Trong khi đó, vẫn có một bộ phận nhà đầu tư tin tưởng đây chỉ là đợt điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn tạo cơ hội để mua vào các cổ phiếu công nghệ, đang có mức giá trở lại vùng hợp lý hơn.

Trước đó, cổ phiếu Amazon đã được giao dịch ở mức giá 160 lần thu nhập trong tháng 9/2018. Mặc dù sự điều chỉnh của cổ phiếu trong đợt sụt giảm giá lần này là đáng kể, song mức giá hiện tại của cổ phiếu trong tương quan với thu nhập vẫn ở mức rất cao, vượt quá bất kỳ tiêu chuẩn định giá cổ điển nào.

Trên thực tế, cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh trong bối cảnh nhiều công ty khổng lồ thuộc lĩnh vực này công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 với mức tăng trưởng kỷ lục. Google báo cáo doanh thu quảng cáo tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ dịch vụ thuê bao của Amazon đã tăng 52% trong quý 3/2018 sau khi áp dụng mức giá tăng với các thành viên hạng cao cấp (Prime) của mình. Đặc biệt, lợi nhuận từ mảng điện toán đám mây của Amazon tăng trưởng 77%. Microsoft cũng đạt mức tăng trưởng 76% với doanh thu dịch vụ điện toán đám mây và mức tăng trưởng mạnh không kém từ phần mềm Windows.

Thời kỳ “vàng son” đã qua?

Thực tế, giới đầu tư Phố Wall đã chứng kiến cổ phiếu của các công ty công nghệ từng đạt những tầm cao chói lọi trên thị trường chứng khoán. Giờ đây, chính những cổ phiếu đắt giá đó đang tuột dốc không phanh. Kể từ khi đạt mức cao kỷ lục hơn 2.000 USD/cổ phiếu hồi tháng 9, Amazon để mất tới 18,5% giá trị cổ phiếu của họ. Sự lao dốc này diễn ra sau khi Amazon được định giá sơ bộ vào khoảng 1.000 tỷ USD dựa trên giá cổ phiếu, vào trước thềm mùa mua sắm nghỉ lễ cuối năm của “gã khổng lồ thương mại điện tử”. Trong phiên 14/11, giá cổ phiếu của Amazon giảm 1,97% so với phiên trước, đóng cửa ở mức 1599,01 USD/cổ phiếu và giảm giá trị thị trường của công ty này xuống còn khoảng chưa đến 800 tỷ USD.

Cổ phiếu của Apple, kể từ khi đạt mức đỉnh 230 USD/cổ phiếu hồi đầu tháng 10, hiện đã để mất tới 17% sau khi công ty này đưa ra dự báo không mấy lạc quan về triển vọng doanh thu vào quý 4/2018. Ngoài ra, việc một loạt các nhà cung ứng linh kiện của Apple cũng hạ dự báo kinh doanh cũng tác động mạnh tới “trái táo khuyết”.

Nhà phân tích Jack Menke của sàn giao dịch Nasdaq cho biết, giới đầu tư đã đổ tiền vào nhóm cổ phiếu công nghệ kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit – diễn ra hồi giữa năm 2016. Trong 9 quý liên tiếp kể từ cuộc trưng cầu dân ý đó, nhóm cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng trung bình 7% khi nhà đầu tư bị thu hút bởi tiềm năng lợi nhuận cao từ ngành công nghệ Mỹ trong môi trường lãi suất thấp của nước này.

Trong phiên 14/11, giá cổ phiếu Apple đã giảm 2,6% xuống 187,25 USD/cổ phiếu, sau khi tuột dốc hơn 5% hồi phiên thứ Hai trước đó. Ngoài Apple và Amazon, cổ phiếu của Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng lần lượt để mất 23% và 14% so với mức đỉnh điểm trước đó.

Ngoài ra, gói cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm 2017 cũng tạo cơ sở để hai quý đầu năm 2018, các công ty công nghệ sử dụng tiền thuế tiết kiệm được cho các vụ chi tiêu lớn nhằm mua lại cổ phần hoặc trả cổ tức cho các cổ đông. Chuyên gia Menke nói rằng rõ ràng sau một giai đoạn quá thuận lợi, đà tăng của cổ phiếu công nghệ đã “hụt hơi”, thị trường đang đối diện với quá trình điều chỉnh tự nhiên. Những điều kiện thuận lợi cũng không còn nhiều.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cam kết tiếp tục tiến trình tăng lãi suất, qua đó làm tăng chi phí đi vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn đến nhu cầu thấp hơn khi người dân và doanh nghiệp vay ít hơn hoặc phải chi tiêu nhiều hơn để trả nợ. Việc tăng lãi suất tại Mỹ cũng khiến giá trị của đồng USD đi lên, song diễn biến này bị các công ty coi là “cơn gió ngược” khiến sản phẩm của họ trở nên đắt đỏ ở thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể chậm lại. Điều này hoàn toàn nhiều khả năng sẽ góp phần dẫn đến một cuộc suy thoái trên quy mô toàn cầu. Minh chứng là vào tháng 10, khi Chính phủ Trung Quốc công bố mức tăng trưởng hàng quý yếu nhất trong 9 năm qua. Giữa bối cảnh những tranh chấp thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng chưa kết thúc và triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế thế giới, các nhà đầu tư đang nhận thấy một nguy cơ suy thoái cao hơn nhiều so với 12 tháng trước.

Một yếu tố rủi ro khác mà các công ty công nghệ cũng phải đối mặt là việc các Chính phủ đang siết chặt quản lý, từ việc xử lý dữ liệu của người dân đến tự do ngôn luận, tính công bằng và trung thực của nội dung hoặc người đứng đằng sau những thông tin được đưa lên Internet. Những diễn biến như vậy đã khiến lòng tin của thị trường vào nhóm cổ phiếu công nghệ mất dần. Đồng thời, nhà đầu tư cũng tỏ ra chần chừ hơn khi quyết định có nên “đánh cược” vào một triển vọng tươi sáng tại các công ty công nghệ.

Cổ phiếu công nghệ Việt ở đâu trong cuộc cách mạng 4.0?

Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làn sóng các công ty công nghệ tại Việt Nam cũng nở rộ với những cái tên như Tiki, MoMo, Foody và gần đây nhất là Shopee. Với thực tế này, nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp công nghệ là rất lớn. Đây cũng là lĩnh vực thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Thống kê của CB Insights, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tổng hợp cho thấy, tính đến hết tháng 9/2017, các start-up công nghệ của Đông Nam Á đã thu hút 6,5 tỷ USD vốn huy động, cao gấp đôi so với năm 2016 và gấp 5 lần so với năm 2015. Trong đó Việt Nam đứng thứ 4 về mức độ huy động vốn, xếp sau Singapore, Indonesia và Malaysia.

Tuy nhiên, ngoài một vài tên tuổi như FPT, CMT, ELC, CMG, sàn chứng khoán vẫn thiếu vắng các cổ phiếu công nghệ. Số doanh nghiệp niêm yết trong ngành này còn ít và hoạt động huy động vốn chủ yếu được thực hiện qua phương thức kêu gọi trực tiếp. Vậy điều gì khiến sàn niêm yết chưa thu hút các chủ thể này tham gia?

Chia sẻ tại diễn đàn M&A 2017 vừa qua, ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG, doanh nghiệp đang sở hữu mạng xã hội Zalo với hơn 70 triệu người dùng cho biết, đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp từ trước tới nay chưa đáng kể, với khoản tiền dưới 100 triệu USD. Trong khi đó, Đông Nam Á có hơn 7.000 startup, 80% tập trung ở Việt Nam, Singapore và Indonesia.

Lý giải cho thực trạng này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, trong một thế giới thay đổi từng ngày, công ty công nghệ phải nỗ lực tiếp cận với những công nghệ mới nhất. Do đó, để nhận được sự hỗ trợ tối đa cũng như nắm bắt cơ hội lớn, doanh nghiệp phải niêm yết hoặc kêu gọi đầu tư ở những sàn quốc tế, nơi tập trung đông đảo nhà đầu tư. Ngoài ra, các yếu tố khác như pháp lý, tính thanh khoản, minh bạch, yếu tố đầu cơ, vị thế của thị trường trên trường quốc tế cũng là lý do công ty công nghệ lựa chọn thị trường nước ngoài. Dẫu vậy, con đường niêm yết trên “chợ bạn” cũng không hề dễ dàng đối với các công ty công nghệ Việt. Có nhiều lý do cho tình trạng này, trong đó phải kể đến việc chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa rõ ràng.

VNG từng có ý định niêm yết trên sàn Nasdaq nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Minh, Chính phủ cần hỗ trợ giảm thiểu các thủ tục, giúp doanh nghiệp công nghệ có thể ra biển lớn, từ đó nâng cao vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, công tác định giá doanh nghiệp khi niêm yết cũng là một vấn đề. Đối với các công ty công nghệ, nhà đầu tư không đánh giá về quy mô mà tập trung vào ý tưởng cũng như tiềm năng của ý tưởng, sản phẩm đó như thế nào.

“Việc định giá một doanh nghiệp chủ yếu sở hữu tài sản vô hình, sản phẩm trí tuệ như công ty công nghệ khó khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp đa phần là tài sản hữu hình”, ông Khánh nói.

Mặt khác, năng lực tiếp cận vốn hay quản trị công ty của doanh nghiệp cũng là một trở ngại trong việc hạn chế nhận được dòng vốn trên thị trường. Theo đó, lãnh đạo các công ty công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp thường vững về chuyên môn nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm quản trị. Vì vậy việc có các nhà đầu tư, định chế tài chính và cá nhân có khả năng quản trị, lãnh đạo tư vấn là rất cần thiết để doanh nghiệp công nghệ có thể đi xa hơn.

Theo ông Khánh, ngoài việc cải thiện sự minh bạch thị trường, để thu hút những công ty công nghệ tìm đến thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn hiệu quả, có thể nghĩ tới phương pháp liên kết thị trường chứng khoán nội địa với các sàn quốc tế, từ đó giúp nhà đầu tư khắp nơi giao dịch dễ dàng dù niêm yết ở bất kể sàn nào.

Theo Trang Nhi/Thời báo Chứng khoán