QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Việt Nam có nhiều cơ sở để tiếp tục hút vốn ngoại

Mới đây, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tham dự Phiên họp trực tuyến Thống đốc các thị trường mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)

Chủ trì phiên họp là Ông Luiz Awazu Pereira da Silva – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Tham dự Hội nghị là Thống đốc/Phó Thống đốc của hơn 20 Ngân hàng Trung ương (NHTW) thành viên đến từ các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận nội dung chính về tình hình tài chính toàn cầu, rủi ro và phản ứng chính sách, đặc biệt khi điều kiện tiền tệ toàn cầu thắt chặt. Đại diện các NHTW một số nước cũng đã chia sẻ hiện trạng kinh tế của quốc gia mình và các chính sách kinh tế đang được áp dụng trong điều kiện nền kinh tế đang biến động do đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá những thông tin chia sẻ và thảo luận tại các Hội nghị định kỳ của Ngân hàng Thanh toán quốc tế là cơ sở rất hữu ích để NHNN tham khảo, đưa ra những quyết sách chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Liên quan đến chủ đề Hội nghị lần này, Thống đốc nhấn mạnh nền kinh tế của Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ – mở cửa, biến động các yếu tố tiền tệ toàn cầu vì vậy sẽ tạo ra những tác động trực tiếp đến Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có những đặc thù riêng như dịch bệnh được Chính phủ kiểm soát hiệu quả theo mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế”, các giải pháp tiền tệ, tài khóa đã phát huy tác dụng, do đó kinh tế năm 2020 vẫn có mức tăng trưởng dương là +2,91% và dự kiến tăng trưởng năm 2021 đạt 6,5%). Bên cạnh đó, dòng vốn vào Việt Nam mới chỉ phần nào được tự do hóa, cán cân vốn của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn, vẫn có các biện pháp quản lý nhất định. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng dài hạn, sở hữu cơ cấu dân số vàng, lượng lớn lao động trẻ, có kỹ năng, là cơ sở để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chính nhờ những yếu tố này, những biến động bất lợi về điều kiện tiền tệ toàn cầu sẽ được phần nào triệt tiêu.

Thống đốc cũng cho biết, thời gian tới, khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ tiếp tục là nền tảng để giữ chân dòng vốn dài hạn vào Việt Nam, trên cơ sở xuất siêu tiếp tục tăng và tiêu dùng phục hồi. Từ phía NHNN, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Những yếu tố này là mấu chốt để Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường. Trong bối cảnh điều hành tiền tệ toàn cầu thắt chặt, Thống đốc một lần nữa nhấn mạnh vai trò của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế là rất cần thiết, là “chốt chặn” cho vay, hỗ trợ đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, duy trì lòng tin của nhóm doanh nghiệp FDI tại nước sở tại.

Phiên họp Thống đốc các nền kinh tế mới nổi là Hội nghị nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc thường kỳ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổ chức định kỳ 2 tháng/lần để đánh giá chung về diễn biến thị trường và tiền tệ thế giới, triển vọng và phản ứng chính sách của các quốc gia thành viên có nền kinh tế mới nổi.

Theo Linh Đan/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn:https://kinhtechungkhoan.vn/thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-co-nhieu-co-so-de-tiep-tuc-hut-von-ngoai-93694.html