QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thu lợi bất chính từ chứng khoán trên 500 triệu đồng có thể bị xử tội hình sự

Luật Chứng khoán sửa đổi lần này yêu cầu ngân hàng, công ty viễn thông cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản, lịch sử điện thoại của khách hàng… để điều tra hành vi thao túng thị trường. Mức độ xử phạt cũng được xem xét tăng lên để nâng tính răn đe.

Theo Luật Chứng khoán hiện hành, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi pháp luật trên TTCK. Đáng chú ý, UBCKNN hiện không được cấp thẩm quyền nên gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, xác minh, làm rõ và xử lý các hành vi lạm dụng mang tính nghiêm trọng trên TTCK như giao dịch nội gián, thao túng thị trường…

Hầu hết các nước đều quy định tại Luật chứng khoán về thẩm quyền của UBCKNN trong việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin; đến làm việc để giải trình, cung cấp tài liệu khi phát hiện nghi vấn vi phạm.

Để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi lần này bổ sung một số quyền cho UBCKNN như: yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu, làm việc giải trình liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra.

UBCKNN cũng có thẩm quyền têu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản khách hàng có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK. Các doanh nghiệp viễn thông cũng bị buộc phải cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý cá nhân, tổ chức có các hành vi bị cấm.

Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tăng mức giám sát theo 3 cấp (hiện là 2 cấp), bắt đầu từ công ty chứng khoán, trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng thấy có dấu hiệu giao dịch bất thường có trách nhiệm báo cáo cho Sở GDCK và UBCK, điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Trung tâm lưu ký chứng khoán không phải là đơn vị trực tiếp giám sát giao dịch nhưng là đơn vị cung cấp dữ liệu để UBCK có thông tin phân tích.

Việc tăng thẩm quyền và cấp giám sát, cơ quan chức năng sẽ kịp thời thu thập được bằng chứng và lập tức xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Đơn cử: các sao kê chuyển tiền, email hay điện thoại trao đổi… sẽ là bằng chứng để chứng minh có giao dịch nội gián, làm căn cứ xử lý vi phạm.

Như ở một số nước, UBCK có thẩm quyền nghe điện thoại, khi có cơ sở xác minh phối hợp với cơ quan công an để bóc băng kiểm tra xem ngày hôm đó hai nhà đầu tư trao đổi những gì với nhau. Luật Chứng khoán sửa đổi lần này bổ sung thẩm quyền cho UBCK để giám sát kiểm tra các hành vi giao dịch nội gián để có cơ sở xác định vi phạm, điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vấn đề đáng quan tâm là chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán cần mạnh hơn, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường. Đặc biệt là các hành vi thao túng, làm giá chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và tính minh bạch của thị trường. Do đó, dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi sẽ tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật (đối với tổ chức) và 5 lần khoản thu trái pháp luật (đối với cá nhân). Các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân.

Từ các góp ý của Bộ Tài chính, đã có những nghiên cứu mức xử phạt phù hợp với các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật hình sự. Theo đó, với các khoản thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng sẽ bị cấu thành tội hình sự. Do đó việc áp dụng mức phạt gấp 10 lần có thể hiểu mức phạt 5 tỉ đồng với tổ chức và 2,5 tỉ đồng với cá nhân, ngoài ra còn áp dụng biện pháp tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật, đình chỉ/cấm giao dịch; cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ…

Trong năm 2018 và đầu năm 2019, UBCKNN đã công bố thông tin xử phạt nhiều cá nhân vi phạm thao túng giá cổ phiếu thông qua việc lập nhiều tài khoản, thực hiện mua bán liên tục, tạo cung cầu giả… để thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, các cá nhân này chỉ bị xử phạt 500 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe, bởi thực tế với các chiêu trò, thủ đoạn làm giá tinh vi thì cá nhân, tổ chức có thể thu lợi tiền tỷ, lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trần Hữu Tiệp đã “phù phép” đưa công ty MTM lên sàn bán cổ phiếu, thu lợi bất chính 53 tỉ đồng
Chủ tịch MTM lãnh án chung thân vì đưa cổ phiếu “ma” lên sàn
Ngày 7/5/2019, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án các bị cáo trong vụ thao túng chứng khoán xảy ra tại CTCP Mỏ và khoáng sản Miền Trung – MTM. Cụ thể, bị cáo Trần Hữu Tiệp, nguyên chủ tịch công ty này đã bị tuyên án chung thân vì tội thao túng giá cổ phiếu MTM, thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, gây thiệt hại hơn 56 tỉ đồng.Còn 14 bị cáo khác đã bị tuyên từ 18 tháng tù đến 12 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng giá chứng khoán, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội giả mạo trong công tác. Trong đó có một số bị cáo được tòa cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh (nguyên giám đốc CTCP Khoáng sản Nari Hamico) đã mua lại hồ sơ pháp lý Công ty MTM do Trần Hữu Tiệp là chủ tịch HĐQT với giá 3 tỉ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm đa kim loại tại Nghệ An.Sau đó, ông Dĩnh chỉ đạo em gái và kế toán làm giả hồ sơ cho Công ty MTM đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán dù công ty này không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh.Trong lúc đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM thì ngày 29/5/2015, Nguyễn Văn Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế…
Đến tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (hiện đang bỏ trốn) đã thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của Công ty MTM, tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu lên sàn. Cơ quan điều tra đã làm rõ Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã có hành vi gian dối như: thay đổi cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt, nhờ người làm giám đốc nhận ủy quyền giao dịch tài khoản, sở hữu một số cổ phiếu… dùng các tài liệu giả của Công ty MTM đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Các bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán tạo cung cầu giả , thao túng giá cổ phiếu MTM để đẩy giá, bán cho nhà đầu tư gây thiệt hại hơn 56 tỉ đồng. Trong đó, chiếm đoạt 53 tỉ đồng của các nhà đầu tư.Đây là vụ án đầu tiên Toà án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử về hành vi thao túng giá chứng khoán với 1.065 người bị hại, 107 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 10 người làm chứng…

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường