QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: ‘Vẫn có sàn bất động sản câu kết ôm hàng, tạo sóng gây sốt ảo’

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết vẫn còn hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng… gây “sốt ảo” để tạo chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Hoạt động của các sàn còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: 'Vẫn có sàn bất động sản câu kết ôm hàng, tạo sóng gây sốt ảo'
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: ‘Vẫn có sàn bất động sản câu kết ôm hàng, làm giá, tạo sóng gây sốt ảo

Phát biểu tại hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra 9 tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

Tồn tại đầu tiên là một số chồng chéo, bất cập nhất định trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Tiếp đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu hụt lớn ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở giá hợp lý cho các đối tượng thu nhập thấp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh dẫn chứng tính đến hết quý III/2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 mặc dù đã gần hết năm 2021.

Bên cạnh đó, tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương còn rất chậm.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương hơn 3 triệu m2 sàn với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung tại một số địa phương.

Điển hình như Hà Nội có 1.579 nhà chung cư, TP. HCM có 575 nhà chung cư, Hải Phòng có 205 nhà chung cư, Quảng Ninh có 60 nhà chung cư, Phú Thọ có 23 nhà chung cư, Nghệ An có 22 nhà chung cư… Trong khi đó, giá bất động sản lại liên tục tăng.

Theo Thứ trưởng, giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.

Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi.

Đáng chú ý, các dự án bất động sản vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa hoàn thiện về hồ sơ, trình tự thủ tục pháp lý. Điều này dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng còn chỉ ra hoạt động về giao dịch bất động sản còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước về giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể như chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vẫn còn hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng… gây “sốt ảo” để tạo chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.

Trong khi đó, đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật; thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng; không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Tồn tại nữa được Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu ra là thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận đã thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua. Hay, việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thổi giá, gây sốt ảo bất động sản.

Thêm một khó khăn cố hữu đối với thị trường là nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng, gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Một số doanh nghiệp huy động trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trong thanh toán

Để giải quyết các khó khăn của thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng trước mắt rất cần sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc phục hồi, sản xuất, kinh doanh.

Theo Lệ Chi/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/thu-truong-bo-xay-dung-van-co-san-bat-dong-san-cau-ket-om-hang-tao-song-gay-sot-ao-20180504224261729.htm