QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thứ trưởng Trịnh Văn Bính: ‘Linh hồn của nền tài chính cách mạng’

Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (1904 – 1997) sinh thời đã đánh giá: “Linh hồn của nền tài chính cách mạng là anh Trịnh Văn Bính”.

Thứ trưởng Trịnh Văn Bính

Còn ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: “Nếu tính ở thời điểm sau khi Cách mạng tháng Tám và suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp cũng như những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thì ông Trịnh Văn Bính là người có chuyên môn tài chính giỏi nhất, uyên bác và sâu rộng nhất”. Theo ông Hồ Tế, bằng nền tảng kiến thức bài bản, ông Trịnh Văn Bính là người đã tham mưu cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Hoàng Anh và các đời Bộ trưởng Tài chính sau này nhiều quyết sách đúng đắn, xây dựng nền tài chính cách mạng Việt Nam bài bản, khoa học; xây dựng hệ thống chính sách tài chính hợp lý và hiệu quả, đặc biệt là hệ thống chính sách thuế qua các thời kỳ.

Thiên tư sáng láng

Theo gia phả, Trịnh Văn Bính xuất thân trong một gia đình dòng dõi “trâm anh thế phiệt”, hậu duệ chúa Trịnh. Là con trai trưởng của hai nhà tư sản Trịnh Văn Đường – Phan Thị Ngọc, giàu có hạng nhất nhì Hà Nội đầu thế kỷ 20, sở hữu nhiều hiệu buôn trên phố cổ Hà Nội như số 7 Hàng Ngang, số nhà 48 Hàng Ngang… Trịnh Văn Bính được rèn giũa trong một nếp nhà mẫu mực, từ sớm đã bộc lộ thiên tư và tư chất thông minh sáng láng, thành tích học tập khó ai sánh bằng. Tốt nghiệp trường Albert Sarraut, sang Pháp du học tại Đại học Thương mại (HEC) của Pháp – ngôi trường danh tiếng chỉ có một số ít người Việt Nam dám theo học. Tiếp đó, ông lại nhận được một suất học bổng tại Đại học Oxford (Anh).

Tốt nghiệp trở về nước, Trịnh Văn Bính tham gia dạy tiếng Anh tại trường Tư thục Thăng Long (Hà Nội) – cái nôi tụ hội những trí thức yêu nước của miền Bắc – như Phạm Hữu Ninh, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Bá Húc, Tôn Thất Bình, Phan Thanh, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp… Một thời gian sau, ông vào làm công chức tại Sở Thuế quan Đông Dương. Với kiến thức uyên bác về tài chính và trình độ đầu ngành về thuế, Trịnh Văn Bính là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được giữ cương vị lãnh đạo trong Sở Thuế quan Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nhờ tài năng, kiến thức chuyên môn và uy tín của mình, ông Bính được mời tham gia vào Uỷ ban nghiên cứu kiến thiết do Hồ Chủ tịch trực tiếp điều hành. Ủy ban nghiên cứu kiến thiết ra đời từ Sắc lệnh số 78/SL ngày 31/12/1945 của Chính phủ, có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch thiết thực kiến thiết quốc gia và thảo ra những dự án kiến thiết trình Chính phủ. Nhà trí thức Trịnh Văn Bính đã đề xuất Chính phủ sớm bãi bỏ chế độ công quản rượu, thuốc phiện và giải phóng đồng muối cho diêm dân tự do sản xuất bán lại muối cho Nhà nước theo giá thích hợp để Nhà nước bán lại cho dân, đặc biệt rất cần cho đồng bào dân tộc ở miền núi.

Thứ trưởng Bộ tài chính đầu tiên

Tiếp đó, ngày 2/3/1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua danh sách Chính phủ mới. Trong Chính phủ Liên hiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính là ông Lê Văn Hiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đề nghị của Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bính là Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tài chính – đây cũng là chức vụ ông đảm nhiệm suốt hơn 30 năm cho tới khi nghỉ hưu. Đồng thời, ông còn được cử kiêm nhiệm Tổng Giám đốc Sở Thuế quan và Thuế gián thu. Tháng 6/1946, ông Bính lại được cử là thành viên phái đoàn Chính phủ sang dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp.

Hội nghị Fontainebleau là đợt điều đình giữa Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đệ tứ Cộng hòa Pháp. Hội nghị chính diễn ra từ ngày 6/7 đến ngày 10/9/1946 tại lâu đài Fontainebleau thuộc tỉnh Seine-et-Marne (Pháp). Hai phái đoàn đã cùng nhau thảo luận về một số vấn đề chính như sau: 1. Địa vị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp; 2. Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước; 3. Tổ chức giữa các xứ trong Liên bang Đông Dương; 4. Nguyện vọng thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung và Nam của Việt Nam qua việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ; 5. Các vấn đề kinh tế, văn hóa và soạn thảo dự án Hiệp ước.

Các tư liệu lịch sử về Hội nghị này cho thấy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trịnh Văn Bính là thành viên chính thức của phái đoàn Việt Nam (12 thành viên) do Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội) Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Ông Trịnh Văn Bính có mặt ở các ủy ban và tiểu ban của Hội nghị: thành viên Ủy ban Chính trị; thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Trưởng ban Ủy ban Văn hóa mở rộng; thành viên Tiểu ban Liên bang Trung Ấn…

Biên bản Hội nghị cũng ghi lại nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi và tranh luận của Thứ trưởng Trịnh Văn Bính cho thấy kiến thức chuyên môn vững vàng, sắc sảo và nhãn quan chính trị rộng mở của ông trong khi đàm phán.

Trong quá trình thảo luận tại Hội nghị, vì hai bên giữ vững lập trường, mà “cần phải ra khỏi chỗ bế tắc”, trưởng đoàn Pháp đề nghị cử một tiểu ban thảo chỉ thị của ủy ban chính trị giao cho một ủy ban chuyên môn theo đấy mà thảo luận. Ủy ban chuyên môn này về sau trở thành “Ủy ban Văn hóa mở rộng” để thảo luận riêng về vấn đề dùng các nhà chuyên môn. Tiểu ban gồm có 4 người: đoàn Việt Nam là ông Trịnh Văn Bính và ông Nguyễn Văn Huyên; còn đoàn Pháp là ông Bourgoin và ông Bousquet.

Với những bài học kinh nghiệm còn mới mẻ, đại biểu Việt Nam đã tỏ ra rất thận trọng, thận trọng từng câu, từng chữ. Đại biểu Việt Nam muốn rằng những chữ sẽ ghi trên điều ước phải có định nghĩa thật rõ ràng, rõ ràng bao nhiêu cũng không thừa.

Một ví dụ dưới đây về câu chuyện này: Chỉ thị Ủy ban Chính trị cho Ủy ban Văn hóa mở rộng có câu: “Chuyên môn người Liên hiệp Pháp có quyền ưu tiên, trừ trường hợp thiếu người rõ rệt”.

Buổi họp ngày 19/7/1946, ông Trịnh Văn Bính đề nghị sửa lại: “Ngang điều kiện, chuyên môn người Liên hiệp Pháp có quyền ưu tiên”.

Bourgoin: Không! Chúng tôi không đồng ý; như thế lại thêm một điều kiện không có trong chỉ thị.

Trịnh Văn Bính: Phải có một điểm để so sánh, mới có quyền ưu tiên.

Nguyễn Văn Huyên: Thông điệp Việt Nam có nói rõ ràng “ngang điều kiện”.

Bourgoin: Thông điệp Việt Nam là một việc, quyết định của ủy ban chính trị là một việc khác. Nếu theo đúng thông điệp Việt Nam, đã không dùng chữ “priorité”, phải dùng chữ “préférence”. Không dùng chữ sau, tức là đã tỏ ra thật rõ ràng rằng chữ trên có tính cách tuyệt đối.

[Hai chữ priorité và préférence cùng có nghĩa là được trước người khác; ở đây là được chọn trước người khác. Nhưng chữ priorité bao hàm ý nghĩa là có quyền, được quyền trước người khác, hay quyền ưu tiên, mà chữ préférence không có nghĩa ấy. Chữ préférence chỉ có ý là một đặc huệ. Vì thế mà priorité còn được gọi là dorit de préférence – PV].

Theo Kiều Mai Sơn/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/thu-truong-trinh-van-binh-linh-hon-cua-nen-tai-chinh-cach-mang-20180504224264233.htm