QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thực trạng doanh nghiệp dệt may sau quý III (bài 1): Khi “bóng tối” bao trùm

Đến thời điểm này, những tác động của Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng vẫn chưa có hồi kết. Đơn hàng bị hoãn hoặc hủy, khách hàng muốn giảm giá bán… khó khăn chồng chất đã tạo nên áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong quý III.

Theo thống kê, trong tổng số 15 doanh nghiệp dệt may niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020, nhóm doanh nghiệp ngành dệt may đang niêm yết trên sàn chứng khoán, có 5 doanh nghiệp báo lãi tăng, 7 doanh nghiệp có lãi giảm và 3 doanh nghiệp lỗ. Tổng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may niêm yết trong quý III đạt lần lượt hơn 6.782 tỷ đồng và 318 tỷ đồng, giảm 12% và 27% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 25,584 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại dệt may 9 tháng đạt 13,765 tỷ USD, giảm 12,11% so với cùng kỳ.

Dẫn đầu nhóm “lao dốc” về kết quả kinh doanh quý này là là May Sông Hồng (HOSE: MSH) với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 13% và 69% so với cùng kỳ xuống còn hơn 1.068 tỷ đồng và 43 tỷ đồng. Kết quả không khả quan chủ yếu là do các hợp đồng và đơn hàng FOB của khách hàng thông báo tạm dừng xuất hoặc hủy đơn hàng.

Trước tác động của đại dịch COVID-19, nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may suy giảm, doanh thu thuần hợp nhất của Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng chỉ đạt gần 328 tỷ đồng trong quý III/2020, giảm gần 41% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp quý III ở mức 12,26%, trong khi cùng kỳ là 14,36%. Kết quả, STK báo lãi ròng 20,1 tỷ đồng trong quý, giảm đến 61% so với cùng kỳ.

Theo STK, từ giữa đến cuối quý III/2020, tình hình nhận đơn hàng dần phục hồi do tâm lý khách hàng ở một số thị trường lớn như Mỹ và EU dần thích nghi với chuyển biến của dịch bệnh. STK cho biết vẫn đang tích cực trong việc sản xuất và tiêu thụ thêm các loại sợi có chất lượng và giá trị gia tăng cao, đồng thời thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất và tiêu hao tại Công ty.

Tương tự, mặc dù doanh thu tăng 11% (1.691 tỷ đồng) nhưng lãi ròng quý III của Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) lại “quay đầu” 20% so với cùng kỳ chỉ còn gần 65 tỷ đồng.

Khi ngành sợi đóng băng, Đầu tư và Phát triển Đức Quân – Fortex (HOSE: FTM) “ôm lỗ” hơn 49 tỷ đồng trong quý III. Lãnh đạo FTM cho biết, đầu quý II, khi dịch bệnh bùng phát cao điểm tại các nước trên thế giới và vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhu cầu nhập hàng từ các thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt nguồn cầu của toàn ngành dệt may. Đa số các đối tác lớn đều có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng. Dịch còn tác động đến ngành sợi khiến thị trường này dường như đóng băng, đơn hàng bị giãn, hoãn hoặc hủy. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu dừng lại khiến ngành dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng chưa có sự đột phá.

Doanh thu của FTM lại chủ yếu đến từ sản xuất và kinh doanh sợi các loại. Do đó, doanh thu quý III “lao dốc” 99% so với cùng kỳ chỉ còn gần 5 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến FTM phải chịu lỗ gộp hơn 1,4 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp dệt may có lãi ròng sụt giảm so với cùng kỳ (Đơn vị: tỷ đồng)

Theo Yến Thanh/Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thuc-trang-doanh-nghiep-det-may-sau-quy-iii-bai-1-khi-bong-toi-bao-trum-81575.html