QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tiền lương – Vấn đề nhức nhối của thị trường lao động Mỹ

Giới quan sát cho hay, mặc dù các công ty đang thiếu hụt nhân công cũng đưa ra đề xuất tăng lương mạnh, song điều này vẫn chưa đủ để thu hẹp chênh lệch thu nhập trên thị trường lao động Mỹ.

Hàng loạt nhân viên làm trong lĩnh vực thức ăn nhanh ở trung tâm kinh tế và thương mại Manhattan thuộc thành phố New York (Mỹ) mới đây đã xuống đường biểu tình đòi mức lương 20 USD/giờ – điều mà họ chưa từng nghĩ tới vào thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Áp lực tăng lương đến từ một số nguyên nhân, bao gồm thị trường lao động bị thắt chặt một cách bất thường và những thách thức về chăm sóc trẻ em liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, những người lao động bị trả lương quá thấp cũng không muốn quay trở lại làm việc trong các điều kiện như hồi trước đại dịch.

Để khuyến khích nhân viên trở lại làm việc và thu hút thêm nhân công, người sử dụng lao động không chỉ phải tăng lương mà trong một số trường hợp, họ còn cải thiện các khoản tiền thưởng và bảo hiểm chăm sóc y tế.

Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco tại Ernst & Young Parthenon nhận định các nhà tuyển dụng lớn hiểu rằng cần phải nâng lương nếu muốn thu hút những người lao động đáng tin cậy, những người có thể giúp họ vượt qua giai đoạn nhiều bất ổn như hiện nay.

Sau khi thông báo tăng lương tối thiểu lên 22 USD/giờ, tập đoàn công nghệ Apple cho biết việc hỗ trợ và giữ chân các nhân viên giỏi cho phép hãng mang lại những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, sáng tạo nhất cho khách hàng.

Ngoài mức lương dẫn đầu ngành, Apple cho biết còn đưa ra “một loạt lợi ích” cho nhân viên toàn thời gian và bán thời gian. Theo Apple, mức lương tối thiểu 22 USD/giờ đã tăng 45% so với mức lương vào năm 2018.

Vào mùa Hè năm ngoái, đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, một số công ty lớn như Amazon, Target và Chipotle cũng đã nâng mức lương cơ bản theo giờ lên 15 USD, cao hơn gấp đôi mức lương tối thiểu liên bang là 7,25 USD/giờ – con số vốn không thay đổi kể từ năm 2009. Tuần này, ngân hàng Bank of America đã thông báo nâng mức tối thiểu hàng giờ lên 22 USD, con số này dự kiến sẽ tăng lên 25 USD vào năm 2025.

Theo nhà kinh tế Mahir Rasheed của Oxford Economics, mặc dù hầu hết các mức lương đã được điều chỉnh tăng lên, nhưng chỉ những người lao động được trả lương thấp nhất mới cảm nhận được mức tăng chưa đủ lớn để bù đắp cho tỷ lệ lạm phát cao hiện nay.

Nói cách khác, ngay cả khi có thu nhập cao hơn, hầu hết người tiêu dùng đang thực sự cảm thấy tiền lương giảm trong điều kiện thực tế. Vì vậy, ngay cả khi mức lương được điều chỉnh tăng đáng kể, đặc biệt là đối với nhân viên nhà hàng và khách sạn, số tiền mà những lao động trong lĩnh vực này kiếm được vẫn đang thấp hơn mức lương trung bình của cả nước.

Cùng chung quan điểm, nhà kinh tế Daco giải thích mức tăng lương tưởng chừng rất lớn, khi một số nhân viên được tăng lương từ 7 USD lên 10 USD/giờ, từ 12 USD lên 15 USD/giờ hay thậm chí từ 15 USD lên 20 USD/giờ.

Tuy nhiên, nếu một nhân viên được hưởng mức lương 15 USD/giờ, điều này đồng nghĩa người này sẽ nhận được 30.000 USD/năm, thấp hơn đáng kể so với mức lương trung bình của Mỹ là 50.000 đến 60.000 USD. Hơn nữa, việc tăng lương có thể chỉ xảy ra một lần và có thể chững lại trong tương lai khi lực lượng lao động dồi dào hơn.

Chuyên gia kinh tế Elise Gould của Viện Chính sách kinh tế, một tổ chức tư vấn của Mỹ không kỳ vọng những mức tăng lương đó sẽ lâu bền, bởi mức lương tối thiểu liên bang vẫn chưa tăng. Bà cũng dự đoán mức tăng lương sẽ sụt giảm trong tương lai.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng trước, chuyên gia kinh tế Gould lưu ý rằng lương trung bình tăng 4,4% trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 ở Mỹ, nhưng giảm 1,7% trong năm thứ hai. Bất chấp những đợt tăng lương gần đây, tình trạng bất bình đẳng thu nhập vẫn tồn tại trên thị trường lao động Mỹ.

Theo PV/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/tien-luong-van-de-nhuc-nhoi-cua-thi-truong-lao-dong-my-post121361.html