QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tiếp tục vi phạm công bố thông tin, Quốc Cường Gia Lai bị phạt 70 triệu đồng

Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HOSE – Mã chứng khán: QCG) vì hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin.  

Cụ thể, ngày 24/06/2019, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Quốc Cường Gia Lai số tiền 70 triệu đồng. Nguyên nhân, do Quốc Cường Gia Lai đã công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ theo quy định pháp luật loạt tài liệu theo quy định.

Trong số đó có cả loạt Nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại nhiều đơn vị khác nhau như Nghị quyết HĐQT ngày 28/04/2017 về nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sông Mã, quyết định HĐQT ngày 24/07/2017 về nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Quốc tế An Vui, quyết định của HĐQT ngày 02/06/2017 về nhận chuyển nhượng và cử người đại diện phần vốn góp tại Công ty TNHH Sparkle Value Homes, quyết định của HĐQT ngày 27/09/2017 về chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phú, quyết định của HĐQT ngày 26/08/2017 về chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Sparkle Value Homes.

Đồng thời cũng liên quan đến việc Công bố thông tin về từ nhiệm thành viên HĐQT, công bố thông tin vi phạm thuế… Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 24/06/2019.

Được biết, vào cuối năm 2018, Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM đã nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với Quốc Cường Gia Lai, nguyên nhân là do vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, thuộc trường hợp bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường. Đây là các nhắc nhở liên quan đến việc thiếu sót không công bố thông tin các giao dịch góp, thoái vốn diễn ra từ năm 2013-2017.

Trên thị trường, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai đang trên đà giảm sâu. Tính đến giữa phiên sáng ngày 27/6, cổ phiếu QCG tiếp tục giảm 2,13% và đang giao dịch ở mức 4.620 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm 2019, công ty đạt 378 tỷ đồng doanh thu và hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 87% so với cùng kỳ), thực hiện được 30% kế hoạch doanh thu và 3% kế hoạch lợi nhuận.

Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 1.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu của năm trước là 1.800 tỷ đồng doanh thu thuần và 320 tỷ đồng lãi trước thuế vì lý do thực hiện pháp lý các dự án bất động sản ngày càng khó khăn.

Trong năm 2018, QCG chỉ thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 33% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương ứng đạt 732 tỷ đồng và chưa đến 107 tỷ đồng. Các khó khăn về tiến độ pháp lý dự án đã ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Quốc Cường Gia Lai trước nỗi lo nhiều dự án bị đình trệ

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Quốc Cường Gia Lai diễn ra vào ngày 22/6 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan cho biết nhiều dự án đã đền bù 100% nhưng không thể triển khai.

Dự án Đa Phước, công ty đã đền bù 100% nhưng không triển khai được dù thị trường đang cần phân khúc sản phẩm này chỉ vì vướng thủ tục mới. Dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500 nhưng có đất xen cài (đất nhà nước quản lý không cấp sổ đỏ cho dân, đất đường đi, đất kênh rạch…) nên giẫm chân tại chỗ. Trước đây để xử lý tình huống này cần ra hội đồng thẩm định giá (thông lệ 10 năm nay vẫn thực hiện bình thường) nhưng tình hình đột ngột ách tắc từ năm 2018 đến nay vì cơ chế rà soát mới.

Theo quy định mới, đất công dù chỉ 1m2 cũng phải đấu giá nên dự án bị vướng ở khâu này, không được giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Công ty phải gửi công văn tới Tổng cục Quản lý Đất đai để xin hướng dẫn và mất rất nhiều thời gian chờ đợi.

Đối với dự án Phước Kiểng của QCG, đây là dự án lớn và cũng là tài sản đã đảm bảo để QCG nhận khoản vay hàng nghìn tỷ đồng từ đối tác bên ngoài là công ty Sunny. Sau này khi dự án hoàn thành mặt bằng, QCG phải giao một phần đất tương ứng vơi giá trị khoản vay cho đối tác để làm sao đối tác không thiệt hại.

Đền bù giải phóng mặt bằng của Phước Kiểng đã diễn ra hơn 10 năm do các hộ lấn chiếm vào cất nhà không hợp pháp ở bờ đê do việc quản lý lỏng lẻo của đia phương. QCG đã làm giấy phép xây dựng nhà tái định cư cho trên 100 hộ lấn chiếm, đã giải phóng cho 60 hộ, còn lại 3% mà chủ yếu 4 hộ đòi đền bù 25-30 triệu/m2, tương đương 750 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp không có tiền trả.

Tương tự, công ty còn có dự án Sông Đà (Thủ Đức) 2,8 ha đã đền bù 100% nhưng cũng vướng đất xen cài nên chưa thể thực hiện dự án. Điều khiến bà Loan lo ngại là những thủ tục trước đây đã chấp thuận đầu tư có thể bị hết hạn trong thời gian tới, buộc phải quay trở lại các bước ban đầu, mất thêm rất nhiều thời gian. “Những ách tắc này không phải do doanh nghiệp tạo ra. Đất xen cài cần đấu giá theo luật nhưng hiện nay chưa ai hướng dẫn đấu giá ra sao”, bà Loan chia sẻ với cổ đông.

Trước đó, tại hội nghị lãnh đạo TP HCM gặp gỡ và đối thoại với 100 doanh nghiệp bất động sản, bà Loan từng bức xúc kể công ty đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Trong số quỹ đất này, có những dự án hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh, sắp về đích nhưng phải làm lại từ đầu.

Theo Nguyễn Thanh/Thời báo chứng khoán