QC 1
Thứ 2, ngày 04/11/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tin chứng khoán 19/11: TTCK đi xuống, tài sản của các tỷ phú Việt ‘bốc hơi’ cả tỷ USD

TTCK đi xuống, tài sản của các tỷ phú Việt ‘bốc hơi’ cả tỷ USD

Kể từ thời điểm VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4/2018, đến nay, tài sản của các tỷ phú USD tại Việt Nam đã “bốc hơi” tới 2,8 tỷ USD.

Tin chứng khoán: 7 tháng, tài sản của các tỷ phú Việt ‘bốc hơi’ cả tỷ USD

Theo cập nhật mới nhất từ tạp chí danh tiếng Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup – hiện ở mức 5,9 tỷ USD, xếp thứ 270 trong danh sách người giàu thế giới. Trong khi đó, tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là 2,5 tỷ USD, xếp thứ 901 thế giới.

2 tỷ phú USD mới được công nhận hồi tháng 3/2018 là Trần Bá Dương và Trần Đình Long lần lượt sở hữu khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD và 1 tỷ USD, xếp thứ 1.330 và 1.980 thế giới, theo tính toán và xếp hạng của Forbes.

Cập nhật mới nhất của Forbes về tài sản của các tỷ phú USD tại Việt Nam

Mặc dù khối tài sản của các tỷ phú vẫn là rất lớn nhưng so với thời điểm 7 tháng trước, lượng tài sản “bốc hơi” là rất đáng kể.

Cụ thể, thống kê từ Forbes cho thấy, tháng 4/2018, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lúc đã lên đến 7,2 tỷ USD, xếp thứ 232 thế giới. Nghĩa là sau 7 tháng, lượng tài sản “bốc hơi” lên đến 1,3 tỷ USD.

Cùng thời gian, tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 3,7 tỷ USD, cao hơn hiện tại tới 1,2 tỷ USD.

Như vậy, tài sản của 2 tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam đã “bốc hơi” tới 2,5 tỷ USD sau 7 tháng.

Với tỷ phú Trần Bá Dương, tài sản không có biến động do Công ty Ô tô Trường Hải – tài sản chủ lực của ông Dương – không lên sàn nên giá cổ phiếu không có biến động chính thức.

Trong khi đó, tỷ phú Trần Đình Long ban đầu sở hữu khối tài sản lên đến 1,3 tỷ USD, nay đã giảm đi 300 triệu USD.

Sự suy giảm giá trị tài sản của các tỷ phú Việt là dễ hiểu bởi 7 tháng qua, thị trường chứng khoán ghi nhận mức giảm rất lớn.

Theo thống kê, thời điểm mà tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt đỉnh (lần lượt 7,2 tỷ USD và 3,7 tỷ USD) trùng với thời điểm VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm (phiên 9/4).

Đến nay (chốt phiên 16/11), VN-Index chỉ còn 898 điểm, nghĩa là giảm tới 25% sau 7 tháng.

7 tháng qua, bộ 3 cổ phiếu Vingroup gồm VIC, VRE và VHM giảm lần lượt 17%, 30% và 3,81% (VHM niêm yết từ ngày 17/5).

Tương tự, bộ đôi cổ phiếu VJC của Vietjet và HDB của HDBank giảm lần lượt 28% và 33%, là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm giá trị tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Còn với tỷ phú Trần Đình Long, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã mất 18% thị giá sau 7 tháng.

Nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn?

Sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường có phiên hồi phục trước khi kết thúc tuần vừa qua. Đóng cửa tuần, chỉ số VN-Index giảm 16,1 điểm, tương đương 1,76%, về mức 898,19 điểm.

Các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index tuần qua là VIC, VHM và MSN khi lấy đi của chỉ số lần lượt 5,78, 5,01 và 1,71 điểm. Ngược lại, các mã ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là SAB, BID và FPT khi đóng góp lần lượt là 3,82, 0,53 và 0,29 điểm tăng. Thanh khoản trung bình phiên trên sàn HSX đạt 153 triệu cổ phiếu, cao hơn so với mức 143 triệu của tuần trước.

Về nhóm ngành tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm 4,85% do ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của các cổ phiếu VHM, VIC và FLC khi giảm lần lượt 6,32%,6,05% và 9,15%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm 1,02% do HDB, CTG và TCB giảm lần lượt 8,69%, 2,88% và 2,47%. Ngược lại, nhóm đồ uống tăng 6,51% nhờ động lực chính đến từ việc cổ phiếu SAB tăng 8,46%.

Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài tuần qua, khối này đã có tuần bán ròng trên sàn HSX với giá trị đạt gần 829 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn. Lực cầu giá thấp đã bắt đầu nhen nhóm ở một số nhóm cổ phiếu giúp thị trường hồi phục. Tuy nhiên, BVSC cho rằng đây nhiều khả năng chỉ là diễn biến hồi phục ngắn hạn và mang tính kỹ thuật.

Theo Thanh Long/VietnamFinance