QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tín dụng bán lẻ – Hiệu quả cao, phân tán rủi ro

Vừa qua, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) tổ chức buổi cập nhật định kỳ với giới phân tích đầu tư về tình hình hoạt động 2018. Kỷ lục mới của lợi nhuận khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam được xác nhận.

Cụ thể, năm 2018 Techcombank đạt 10.661 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31% so với 2017; đánh dấu lần đầu tiên khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam có thành viên vượt mốc 10.000 tỷ lợi nhuận và đứng thứ hai hệ thống, chỉ sau Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank, đạt hơn 18.300 tỷ năm qua).

Cũng như các kỳ cập nhật trước, ông Trịnh Bằng – Giám đốc Tài chính Techcombank được giao trình bày các dữ liệu phản ánh tình hình hoạt động của ngân hàng.

Các kỳ trước, ông Trịnh Bằng thường nhấn mạnh đến chiến lược tín dụng bán lẻ, đi kèm với diễn giải vừa để giảm thiểu rủi ro, vừa tạo hiệu quả trong sử dụng vốn. Có thể thấy, hiệu quả thì rõ ràng. Tín dụng bán lẻ được hiểu có cấu phần lớn cho vay khách hàng cá nhân, phân khúc có lãi biên thường cao hơn so với cho vay khách hàng doanh nghiệp nói chung.

Ví như trước đây, ngân hàng dồn những khoản vay cỡ 1.000 tỷ đồng cho một hoặc vài doanh nghiệp lớn vay, doanh nghiệp đầu ngành nào đó. Khi đối tượng vay gặp khó khăn, cả 1.000 tỷ này gặp rủi ro.

Còn với tín dụng bán lẻ, 1.000 tỷ này được phân tán ra cho hàng trăm khách hàng nhỏ lẻ, khách hàng cá nhân…, rủi ro được phân tán trong khi hiệu quả lãi biên tốt hơn.

Tín dụng bán lẻ giúp phân tán cả ở rủi ro ngành hàng, thay vì cho vay bán buôn dồn theo từng ngành trước đây mà dễ gặp rủi ro chung nếu ngành đó rơi vào khó khăn. Đặc biệt, tín dụng bán lẻ trở thành một trong những lực đẩy chính, mà rủi ro được khẳng định thấp.

Năm 2018, Techcombank dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân và đứng thứ hai hệ thống, Vietcombank dẫn đầu, về con số lợi nhuận tuyệt đối. Đây đều là hai thành viên hiệu quả nhất với điểm chung đẩy mạnh tín dụng bán lẻ.

Đến cuối năm 2018, tỷ trọng tín dụng bán lẻ tại Vietcombank tiếp tục mở rộng nhanh chóng, từ 39,6% năm 2017 lên tới 46,2%. Tại Vietcombank, đây là thay đổi lớn trong 5 năm qua.

Đến nay, hướng dịch chuyển trên tạo động lực quan trọng, góp phần để lợi nhuận bùng nổ trong năm 2018. Chưa dừng lại, sau khi đạt mức 46,2% năm qua, Chủ tịch Vietcombank cho biết sẽ tiếp tục nâng tỷ trọng tín dụng bán lẻ vượt mốc 50% trong năm 2019.

Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng Khoán