QC 1
Thứ 6, ngày 21/03/2025 | Hotline: 0889.066.066

Tín dụng cho DN: Cần vốn rẻ hơn hay muốn tiếp cận vốn dễ dàng hơn

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay theo đúng tinh thần, chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mức lãi suất cho vay cao hay thấp còn phụ thuộc vào chính nhu cầu vay vốn, khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế

Mới đây, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng kêu gọi các ngân hàng hy sinh một phần lợi nhuận, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn.

“Các ngân hàng hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận, vẫn phải mang lại lợi ích chung cho đất nước”, Thủ tướng nói.

Thời gian qua, NHNN đã nhiều lần ban hành các văn bản với định hướng tín dụng và yêu cầu tiết giảm chi phí để tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong hệ thống. Trong nhiệm vụ ngành ngân hàng 2025, Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Năm 2024, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành dù lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, qua đó, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để giảm lãi vay.

Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 12/2024, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng giảm mạnh so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,03%/năm, giảm 1,24%/năm so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong khi đó, lãi suất huy động rục rịch tăng trở lại trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 trước áp lực thanh khoản và tỷ giá. Sự “nghịch chiều” này khiến biên lãi thuần (NIM) của nhiều ngân hàng bị thu hẹp. Việc các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để cắt giảm chi phí lãi vay được thể hiện rõ nét ở việc tỷ lệ NIM giảm tại nhiều ngân hàng.

Lũy kế cả năm, tính đến ngày 31/12/2024, NIM của các ngân hàng niêm yết giảm 10 điểm cơ bản, xuống còn 3,3% từ mức nền thấp của quý III. Tuy nhiên, NIM có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, các nhóm ngân quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp với tập khách hàng rủi ro cao và khả năng chi trả phục hồi chậm gặp khó khăn hơn về NIM. Tính đến hết năm 2024, NIM của nhóm ngân hàng này dao động dưới 3%, thấp nhất là ABBank (1,9%), VietBank (1,92%), VietA Bank (2,18%), SaigonBank (2,36%),…

Các chuyên gia MBS nhận định, bước sang năm 2025, các ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cho vay thấp trong vòng 6 – 9 tháng đầu năm 2025 để hỗ trợ khách hàng nhưng lãi suất tiền gửi lại khó có thể duy trì ở mức thấp khiến NIM của các ngân hàng trong năm 2025 khó có thể tăng mạnh.

Giảm lãi vay liệu đã đủ?

Theo khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê, các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể kể đến như nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế; khó khăn về tài chính, lãi suất; thiếu nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng; giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; chính sách của Nhà nước; thủ tục hành chính…

Trong đó, vốn cho sản xuất kinh doanh là khó khăn được 18,5% doanh nghiệp lựa chọn. 17,2% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn vẫn còn cao. 43,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết “nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài”.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định, mức lãi suất cho vay cao hay thấp còn phụ thuộc vào chính nhu cầu vay vốn, khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng như chính sách riêng của từng ngân hàng.

Theo quy luật cung – cầu, khi nhu cầu vay vốn tăng cao, nguồn cung vốn của ngân hàng có thể bị hạn chế, dẫn đến việc điều chỉnh lãi suất cho vay tăng lên để đảm bảo cân bằng thị trường.

Chưa kể, các gói vay có lãi suất tốt thường được ưu tiên cho cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính ổn định với tài sản đảm bảo bởi nó thể hiện khả năng trả nợ đúng hạn của doanh nghiệp.

Giảm lãi vay chỉ là một trong những yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Báu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần WiGroup nhận định, nhà điều hành cần quan tâm đến việc doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đang cần gì ở thời điểm hiện tại, đó là cần chi phí vốn rẻ hơn, hay cần tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Việc xác định được nhu cầu chính của các doanh nghiệp sẽ giúp điều hành chính sách “đúng và trúng”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngoài ra, để doanh nghiệp thực sự phát triển, cần có các chính sách đồng bộ, không chỉ tập trung vào giảm lãi suất mà còn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về phía các ngân hàng, đầu tư vào công nghệ, tối ưu chi phí hoạt động là một trong những giải pháp giúp các ngân hàng có thêm dư địa tài chính để điều chỉnh lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn. Việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) hay tự động hóa trong vận hành không chỉ giúp ngân hàng nâng cao hiệu suất, giảm chi phí quản lý và vận hành mà còn góp phần cải thiện trải nghiệm khách hàng, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần có chiến lược tối ưu hóa danh mục tín dụng một cách chặt chẽ và linh hoạt nhằm đảm bảo dòng vốn được phân bổ hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa hạn chế rủi ro tín dụng.

Theo Khánh Tú/Vietnam Finance