QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tín dụng đi theo con đường riêng

Để hạn chế nợ xấu tăng, tín dụng đang được hướng đến phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, có nền tảng tài chính vững mạnh, thay vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay lĩnh vực tiêu dùng tín chấp.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho biết, năm nay, Ngân hàng cơ cấu lại danh mục cho vay để đảm bảo hỗ trợ mảng doanh nghiệp, tập trung phát triển tín dụng bán lẻ. Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, nợ xấu của ACB vẫn tăng 32%, lên mức 1.918 tỷ đồng, cho dù dư nợ tín dụng chỉ tăng 5,6%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68% tính đến hết tháng 6.

Do tác động bởi dịch Covid-19 nên cầu tín dụng năm nay chậm, nợ xấu tăng, trong khi dư địa cho vay vẫn còn (mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 11,75% năm nay) nên ACB không xin tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tương tự, các ngân hàng BIDV, VietinBank và Agribank cũng không xin nới thêm room tín dụng.

Nhận định đưa ra bởi các nhà phân tích tài chính – tiền tệ cho rằng, sức cầu tín dụng những tháng cuối năm sẽ khó có thể đột biến so với nửa đầu năm 2020. Tín dụng sẽ hướng đến phân khúc khách hàng có sức “đề kháng” tốt và khả năng trả nợ cao, mà hạn chế rót vào những lĩnh vực nhiều rủi ro.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng chia sẻ, khó khăn của đại dịch buộc ngân hàng phải tái cơ cấu danh mục tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng. Hiện ngân hàng đã dừng cho vay tiêu dùng tín chấp và mua ô tô.

Theo vị này, mặc dù đều là những phân khúc tín dụng tiềm năng, nhưng trước diễn biến khó khăn hiện nay, thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng, chưa kể đến tình trạng thất nghiệp sẽ làm giảm, thậm chí mất khả năng trả nợ vay nên rủi ro cao. Mặt khác, ô tô là loại tài sản nhanh chóng mất giá trị, đây là lý do khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát mãi tài sản bằng ô tô thời gian qua, bên cạnh nhà đất.

Không chỉ ngân hàng trong nước, mà nhiều ngân hàng ngoại cũng đã dừng cho vay mua ô tô, chuyển sang cho vay mua nhà hay phát hành thẻ tín dụng như HSBC Việt Nam.

Trong báo cáo triển vọng quý III/2020 của ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra nhận định, các ngân hàng đã giảm cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cho vay tiêu dùng, thay vào đó là tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn.

Theo BSC, các SME là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do lệnh giãn cách xã hội cùng việc suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Nhiều SME đã phải tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản. Trong quý I/2020, số lượng SME gặp khó khăn phải dừng hoạt động cũng như giải thể đã tăng 10,8% so với cùng kỳ 2019, các doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động cũng giảm 1,5%. Đây là lý do khiến ngân hàng e ngại rót vốn tín dụng cho các SME.

Bên cạnh đó, BSC cũng nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ảnh hưởng tới nhu cầu vay và khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân. Hiện nay, tỷ trọng cho vay cá nhân chiếm khoảng 43% cơ cấu cho vay toàn hệ thống ngân hàng, nên việc giảm lương cùng tỷ lệ thất nghiệp cao hơn làm giảm khả năng trả nợ của người dân.

Trên thực tế, nửa đầu năm 2020, các ngân hàng đã giảm tỷ trọng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân và SME, tập trung cho vay các doanh nghiệp lớn, có sức đề kháng tốt trong dịch. Việc tập trung vào cho vay mảng ít rủi ro hơn sẽ giúp ngân hàng tránh được các cú sốc về nợ xấu.

Dẫu vậy, BSC cho rằng, mức độ thay đổi sẽ không lớn, khi mức giảm tỷ trọng cho vay SME chỉ từ 24,9% trong năm trước xuống 24,5% trong năm nay, tỷ trọng cho vay cá nhân giảm từ 44% xuống 43%, còn tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp lớn tăng từ 31,2% lên 32,5%.

Còn theo đánh giá của SSI Research, nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu trong những tháng cuối năm do cả nước đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai, trong khi các ngân hàng khó có thể hạ tiêu chí cấp tín dụng để tăng huy động vốn trong bối cảnh thanh khoản dư thừa. Vì thế, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, còn tín dụng bán lẻ sẽ không mạnh mẽ như trước, cho dù điều này có thể khiến biên lãi ròng (NIM) cho vay giảm mạnh.

Theo PV/Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tin-dung-di-theo-con-duong-rieng-77966.html