QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tín dụng và kịch bản lợi nhuận nhóm ngân hàng năm 2020

Nguồn thu đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của nhóm ngân hàng thời gian qua chính là tín dụng. Tuy nhiên tăng trưởng của mảng này trong 2 quý đầu năm nay được dự báo tương đối chậm. Vì thế, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch điều chỉnh cách chỉ số kinh doanh trong năm 2020…

Xác định những tháng còn lại của năm vẫn đầy rẫy khó khăn, nhiều ngân hàng đang tính toán điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận dù đã gần hết quý II.

Theo tài liệu ĐHCĐ công bố, VietBank đưa ra 3 kế hoạch mục tiêu cho năm 2020. Với kế hoạch kinh doanh tối thiểu, Ngân hàng dự kiến lãi trước thuế 300 tỷ đồng, giảm 51% so với 2019; tổng tài sản đạt 79.289 tỷ đồng, tăng 15%; tổng huy động vốn tăng 15%, lên 59.760 tỷ đồng và tổng dư nợ khách hàng tăng 9,75%, lên 44.908 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, VietBank dự kiến lãi trước thuế năm 2020 chỉ giảm 10%, xuống 550 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay tăng 15%, lên 47.057 tỷ đồng và tổng huy động vốn tăng 20%, đạt 62.359 tỷ đồng.

Đến ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 25/5, Hội đồng quản trị VietBank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch thứ 3 với mức lãi trước thuế dự kiến đạt 613 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối 2020 dự kiến mục tiêu tăng lên 90.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay tăng 22% và tổng huy động vốn tăng 25%.

Kết thúc hoạt động quý I/2020, VietBank đạt 230 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 2,3 lần dù tín dụng chỉ tăng 2,8%. Tính đến ngày 31/3/2020, tổng tài sản của VietBank ở mức 69.358 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với đầu năm, nợ xấu 1,35%.

Tương tự, Nam A Bank đã đưa ra một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trọng yếu trong năm 2020 gồm: Tổng tài sản đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 800 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với năm trước… Kết thúc quý đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank đạt 143 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn đạt 18% kế hoạch năm.

Trong khi đó, năm 2020, SCB dự kiến tổng tài sản tăng 12,19%, đạt 637.166 tỷ đồng. Mục tiêu cho vay khách hàng đạt 377.283 tỷ đồng, tăng 13%; huy động thị trường 1 đạt 553.092 tỷ đồng, tăng 13,3%. Riêng mục tiêu lợi nhuận được bỏ ngỏ với lý do SCB đang quá trình tái cơ cấu, nên mọi nguồn lực đều phải tập trung cho quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2.

Còn với MSB, trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MSB thông tin đến cổ đông, ngân hàng sẽ tăng tài sản thêm 8% lên 170.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10% đạt 99.000 tỷ đồng; tín dụng tăng 20% đạt 81.500 tỷ đồng (bao gồm cả dư nợ cho vay thị trường 1 và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).

Con số lợi nhuận trước thuế được MSB đặt ra cho năm 2020 là 1.439 tỷ đồng, cao hơn 12% so với năm trước. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu năm nay, sau khi xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu cũ, sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Tuy nhiên, một nội dung đáng chú ý khác là Hội đồng quản trị MSB đề xuất tạm hoãn niêm yết cổ phiếu do thị trường chưa thuận lợi.

Ngoài ra, một số ngân hàng lớn có vốn Nhà nước cũng đang cân nhắc chỉ tiêu lợi nhuận trong 2020.

Thông tin tại ĐHCĐ thường niên 2020, Chủ tịch HĐQT VietinBank ông Lê Đức Thọ cho hay, ngân hàng đang cân đối chỉ tiêu lợi nhuận 2020 do có nhiều yếu tố tác động.

Kết quý I/2020, VietinBank lãi sau thuế 2.404 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận của Vietinbank dự kiến hết quý II/2020 sẽ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tại Vietcombank, ngân hàng này dự kiến sụt giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận sau 2 đợt giảm lãi suất được công bố từ đầu năm 2020 đến nay.

Với MB, tuy đạt 2.196 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2020, chỉ giảm 9% so với cùng kỳ 2019 nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngân hàng này dự báo quý II sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn.

Chính vì dự báo được khó khăn chưa sớm kết thúc và lợi nhuận khả năng sụt giảm tiếp trong quý II/2020, HĐQT Eximbank vừa đưa ra quyết định giảm mạnh 40% lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu và dự kiến đạt 1.318 tỷ đồng năm nay. Kết thúc quý đầu năm, ngân hàng này đã thu về 457 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Thực tế, nguồn thu đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của nhóm ngân hàng thời gian qua chính là tín dụng. Tuy nhiên tăng trưởng của mảng này trong 2 quý đầu năm nay được dự báo tương đối chậm.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 4 tháng đầu năm, tín dụng nhóm này tăng 1,42% nhưng đã giảm xuống vào trung tuần tháng 5 (chỉ tăng 1,2%) đồng thời, thu nhập từ lãi và phí cũng đi xuống khi ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất cho vay thấp khiến giảm lợi nhuận.

Mới đây, SSI Research vừa có báo cáo cập nhật nhanh tác động của dịch COVID-19 tới ngành ngân hàng. Theo đó, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ do sự thận trọng khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.

Vì điều này, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng quy mô lớn trong hệ thống được nghiên cứu. Mức giảm là 11,1% và 16,4% tương ứng với kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất so với dự báo trước đây.

Trước đó, trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020, Viện Đào tạo nghiên cứu BIDV cũng nhận định, dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, cả năm khoảng 9 – 11%.

Theo Hữu Dũng/Kinh tế Chứng Khooán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/tin-dung-va-kich-ban-loi-nhuan-nhom-ngan-hang-nam-2020-67672.html