Theo ghi nhận thực tế từ các ngân hàng, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã áp dụng điều chỉnh giảm lãi suất. Trong đó, có ngân hàng ghi nhận sự thay đổi vào sáng nay, 28/7/2023.
Trong tháng 7, theo khảo sát có 26 ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất. Và có khoảng 10 ngân hàng điều chỉnh giảm đến 2 lần. Duy nhất có Ngân hàng TMCP Việt Á (VIET A Bank), biểu lãi suất được giữ nguyên từ 19/6/2023 đến nay – theo ghi nhận từ Website của đơn vị này.
Còn lại một số ngân hàng có ghi nhận cập nhật biểu lãi suất mới trong tháng 7 là: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – SaigonBank (3/7), Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương – OceanBank (10/7), Ngân hàng TMCP Bắc Á – BAC A Bank (24/7), Ngân hàng TMCP Quốc dân – NCB (25/7), Ngân hàng Xây dựng – CB Bank (27/7) và cập nhật mới nhất là Ngân hàng TMCP Bảo Việt – BAOVIET Bank vào sáng nay 28/7.
Với lần điều chỉnh mới nhất thì lãi suất của các ngân hàng có sự thay đổi. Trong đó, ở kỳ hạn 06, 12, 24 tháng: CB Bank dẫn đầu các ngân hàng TMCP với mức lãi suất lần lượt là 7,3 %, 7,5 % và 7,7 %. Thấp nhất ở bảng xếp hạng này là Ngân hàng TMCP Quốc tế – VIB, VIET A BANK và SaigonBank ở các kỳ hạn.
Còn với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất đang bị khống chế bởi mức trần 4,75%/năm, tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng để trần mức lãi suất này. Theo đó, ghi nhận có 9 ngân hàng đang để mức lãi suất trần ở kỳ hạn 03 tháng. Và 10 ngân hàng có mức lãi suất kỳ hạn 03 tháng thấp nhất.
Nguyên do các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất, là do một loạt các điều chỉnh hạ lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước, ngoài ra, còn một nguyên nhân chủ quan khác là đa phần các ngân hàng hiện nay đều đang ở tình trạng dư thừa nguồn vốn do huy động nhiều, nhưng giải ngân cho vay lại thấp.
Mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Trước đó, tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra vào 25/7/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin: “Có điều kiện, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí”. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, NHNN đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN còn triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối diện với nhiều rủi ro lớn, như: nợ xấu gia tăng, biên độ lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Trước thực trạng trên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Theo Nguyên Khánh/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn
Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/top-5-ngan-hang-co-lai-suat-cao-nhat-truoc-bien-dong-thi-truong-theo-da-giam-p47153.html