QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Trải qua 3 quý, nhiều cổ phiếu sàn HNX cho mức sinh lời ‘cực khủng’

Thị giá nhiều cổ phiếu trên sàn HNX tăng bằng lần chỉ trong vòng 9 tháng.

Trải qua 3 quý, nhiều cổ phiếu sàn HNX cho mức sinh lời ‘cực khủng’.

DNM – Tổng công ty Cổ phần Y tế Danameco

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 9, cổ phiếu DNM của Tổng công ty Cổ phần Y tế Danameco đã tăng cực mạnh, lên đến 534%, từ gần 7.900 đồng/cổ phiếu lên 49.800 đồng/cổ phiếu.

Mức tăng hơn 6 lần chỉ trong vòng 9 tháng của DNM xuất phát từ sự đột biến trong kết quả kinh doanh, nhờ hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch Covid-19.

DNM là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư y tế trên địa bàn Đà Nẵng. Sản phẩm của doanh nghiệp này khá đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 như trang phục chống dịch, khẩu trang y tế, khẩu trang phòng chống nhiễm khuẩn…

Điều này được ban lãnh đạo DNM thừa nhận trong báo cáo tài chính bán niên soát xét 2020, rằng: “Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nhu cầu các sản phẩm như quần áo bảo hộ y tế, khẩu trang… tăng mạnh. Cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế như DNM”.

Theo đó, nửa đầu năm nay, DNM đạt doanh thu thuần 366 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 26,2 tỷ đồng, tăng gấp gấp 8,8 lần.

Năm 2020, đại hội đồng cổ đông DNM thông qua mục tiêu doanh thu 565 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24,4 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm, DNM đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.

SCI – Công ty Cổ phần SCI E&C

Trải qua 3 quý năm nay, thị giá SCI của Công ty Cổ phần SCI E&C tăng tới 446%, từ 12.600 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu năm lên 70.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên cuối quý III/2020.

Mức tăng “cực khủng” này không hẳn đến từ hoạt động kinh doanh. 6 tháng năm 2020, SCI ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trái chiều. Trong khi doanh thu thuần giảm tới 53% (xuống 435 tỷ đồng) thì lợi nhuận trước thuế lại tăng tới 67% (đạt 66,7 tỷ đồng).

Lợi nhuận tăng là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp ngành xây dựng này (nhờ các công trình/hạng mục có tỷ suất lợi nhuận cao bắt đầu được nghiệm thu) nhưng doanh thu giảm lại là một tín hiệu có phần kém khả quan. Theo giải trình từ phía SCI, doanh thu giảm mạnh là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trên thực tế, đà tăng của SCI phần lớn đến từ sóng cổ phiếu “họ Gelex” với mức tăng rất mạnh không chỉ ở SCI mà còn ở S99, VIX, MHC. VGC và GEX cũng tăng khá.

Năm 2020, SCI đặt mục tiêu doanh số 1.746 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 7%, lên 56,2 tỷ đồng.

Như vậy, SCI đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm sau nửa năm.

DST – Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long

Một cổ phiếu “ăn bằng lần” khác cũng xuất hiện trên sàn HNX là DST của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long. Thị giá cổ phiếu này đã tăng tới 325% trong 9 tháng, từ 800 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên 3.400 đồng/cổ phiếu.

Thậm chí, có thời điểm DST còn đóng cửa ở mức giá 8.700 đồng/cổ phiếu, nghĩa là tăng gấp 10 lần.

Kết quả kinh doanh của DST khá kém cỏi khi đến hết ngày 30/6/2020 vẫn còn lỗ lũy kế gần 6 tỷ đồng. Lãi ròng nửa đầu năm chỉ hơn 3 tỷ đồng, rất thấp so với mức vốn chủ sở hữu lên đến trên 300 tỷ đồng.

Sự tăng giá bất thường của DST là có liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán.

Cụ thể, ngày 11/9/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Hoàng Đức Thuận, nhà đầu tư có địa chỉ tại Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội.

Theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường đối với cổ phiếu DST của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long với số tiền là hơn 3,3 tỷ đồng.

Quyết định trên căn cứ vào kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN, đồng thời căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an.

SHB – Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội

Sau nhiều năm ì ạch, những cổ đông kiên trì nắm giữ cổ phiếu SHB đã gặt hái được quả ngọt khi trong 9 tháng qua, thị giá SHB đã tăng tới 188%, từ mức gần 5.400 đồng/cổ phiếu đầu năm lên 15.400 đồng/cổ phiếu chốt phiên 30/9.

Mức tăng đáng mơ ước của cổ phiếu SHB được cho là đến từ “game” tăng vốn.

“Game” tăng vốn của SHB gồm hai cấu phần: tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên đến hơn 20% và tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1.

Nói là “ưu đãi” nhưng trước thời điểm thị giá SHB tăng phi mã thì phương án này hoàn toàn không ưu đãi, bởi lúc đó, thị giá SHB vẫn còn “ngụp lặn” dưới 7.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá phát hành “ưu đãi” là 10.000 đồng/cổ phiếu (do luật quy định giá phát hành không được dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Nôm na, nếu mua vào mà thị giá SHB vẫn đứng yên, cổ đông sẽ tạm lỗ hơn 30%.

Việc “kéo” thị giá lên trên mức 10.000 đồng/cổ phiếu tạo thuận lợi cho việc phát hành cổ phiếu của SHB, bởi cổ đông đăng ký mua vào cổ phiếu ưu đãi sẽ không bị “thiệt”.

Bên cạnh “game” tăng vốn, cũng có một vài yếu tố mạnh khác hỗ trợ giá cổ phiếu SHB là kế hoạch chuyển niêm yết sang sàn HoSE và thương vụ bán vốn tại SHB Finance.

Năm 2020, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 15,4% và 16%; lợi nhuận trước thuế 2020 dự kiến đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với 2019 chủ yếu là nhờ giảm trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và tăng cường thu hồi nợ xấu.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế này thấp hơn mục tiêu ban đầu là 4,1-4,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 35-40%) do chịu tác động của dịch Covid 19.

IDJ – Công ty Cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam

Mức sinh lời 9 tháng mà IDJ đem về cho các nhà đầu tư là 149%, khi thị giá cổ phiếu này tăng từ khoảng 6.100 đồng lên 15.200 đồng.

IDJ là một thành viên của APEC Group. Hai cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là Công ty Cổ phần Đầu tư APEC Holding và Công ty Cổ phần BG Group (cũng là một thành viên của APEC Group).

IDJ hiện đang phát triển một loạt condotel mang thương hiệu APEC như APEC Mandala Wyndham Mũi Né, APEC Mandala Wyndham Hải Dương, APEC Diamond Park Lạng Sơn, APEC Mandala Grand Phú Yên…

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang hoạt động trong mảng giáo dục, xử lý chất thải, nông nghiệp hữu cơ…

Nửa đầu năm 2020, IDJ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đột biến. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 262 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế lên tới 55,2 tỷ đồng, vượt xa con số 1,2 tỷ đồng cùng kỳ.

Nguyên nhân là do trong quý II/2020, IDJ đã tiến hành bàn giao sản phẩm shophouse thuộc dự án APEC Diamond Park Lạng Sơn và đủ điều kiện ghi nhận doanh thu trong kỳ.

VIX – Công ty Cổ phần Chứng khoán IB

Gần đây, cổ phiếu ngành chứng khoán nổi sóng lớn nhưng nếu so với sức sinh lời của cổ phiếu VIX trong 3 quý đầu năm, các “ông lớn” trong ngành cũng phải ngưỡng mộ.

Cụ thể, thị giá VIX ghi nhận mức tăng lên đến 135%, từ gần 5.100 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên 11.900 đồng/cổ phiếu chốt phiên 30/9.

VIX vốn được giới đầu tư gán là cổ phiếu “họ Gelex”, bởi ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng giám đốc Gelex – từng nổi danh trên thị trường tài chính khi thế chân bầu Thụy để tiếp quản VIX.

Kể cả sau khi ông Tuấn rời VIX thì VIX vẫn có quan hệ mật thiết với Gelex trên phương diện đầu tư. Trụ sở chính của VIX hiện ở tòa Gelex Tower, số 52 Phố Lê Đại Hành, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Như đã đề cập, các cổ phiếu “họ Gelex” đã tăng rất mạnh kể từ đầu năm.

6 tháng năm nay, VIX ghi nhận lợi nhuận trước thuế 57,6 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Thanh Long/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/trai-qua-3-quy-nhieu-co-phieu-san-hnx-cho-muc-sinh-loi-cuc-khung-20180504224244584.htm