QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tràn lan hàng giả, hàng lậu trên sàn thương mại điện tử: Không thể thoái thác trách nhiệm

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, song cũng xuất hiện tình trạng tư thương lợi dụng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Để loại bỏ tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đòi hỏi các chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

Khách hàng cẩn trọng khi mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hải Linh

Vi phạm tràn lan

Tài khoản Sơn Nguyễn, quản trị viên nhóm Facebook cộng đồng thiết bị nhà thông minh lớn tại Việt Nam phản ánh: Giá bán loa thông minh Google Home Mini trên thị trường là 900.000 đồng nhưng được rao bán trên Shopee chỉ để giá bằng 1/3 thị trường. Tuy nhiên, khi người dùng trả tiền và nhận gói hàng được gửi từ Shopee thì bên trong chỉ là loa Trung Quốc, không phải là sản phẩm loa Google Home Mini chính hãng. Mới đây, người tiêu dùng ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) khiếu nại việc đặt mua xe SH150i ABS 2018 giá 30 triệu đồng trên trang Sendo.vn, sau khi chuyển tiền cho người bán đã không liên lạc được vì gian hàng đã bị gỡ…

Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian gần đây, khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn TMĐT tiếp tục tăng.Thực tế, người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn TMĐT đều “hoa mắt” khi thấy hàng giả được rao bán công khai. Điển hình như trên trang Vatgia online, đồng hồ Rolex E10 có giá 599.000 đồng/chiếc; đồng hồ Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/chiếc… Trong khi những sản phẩm chính hãng lên tới cả nghìn, vài chục nghìn USD.

Tình trạng trên đang trở nên phổ biến khi người mua hàng qua các sàn TMĐT như Shopee, Lazada khi mua phải sản phẩm smartphone Trung Quốc nhái iPhone X, Oppo F11 Pro dưới dạng hàng chính hãng xách tay.

Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại địa chỉ 27 Trần Bình (Cầu Giấy) do Công ty TNHH RELEX Việt Nam quản lý, kinh doanh đã rao bán gần 100 chiếc điện thoại di động Trung Quốc sản xuất nhái thương hiệu Samsung, NOKIA, VERTU…Nói về những hành vi vi phạm trên các sàn TMĐT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 T.Ư Đàm Thanh Thế cho biết, các vi phạm trên môi trường TMĐT chủ yếu là không đăng ký kinh doanh; nhiều cá nhân bán hàng giả, hàng nhái nhưng lại đăng hình ảnh hàng hóa thật trên website đánh lừa người tiêu dùng.

Trách nhiệm của sàn giao dịch đến đâu?

Theo các chuyên gia kinh tế, luật, mặc dù các sàn TMĐT chỉ là đơn vị đứng trung gian giữa bên bán và bên mua trong các giao dịch nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc chất lượng hàng hóa được bán trên sàn.Theo Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Đoàn luật sư TP Hà Nội), khi có vấn đề phát sinh trên sàn TMĐT, theo quy định bên chịu trách nhiệm trực tiếp là bên bán hàng. Tuy nhiên, Quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh trên các website TMĐT đã nêu rõ, chủ sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phân tích, sàn giao dịch TMĐT cũng giống như chợ mua bán hàng hóa và ban quản lý chợ phải kiểm soát, quản lý được các hộ kinh doanh. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái, họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời Ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các sàn TMĐT phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán trên trang của mình và phải xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch.

“Ngoài ra, cơ quan quản lý cần sửa chữa Nghị định số 124/2015/NĐ-CP theo hướng tăng nặng số tiền xử phạt để đủ sức răn đe, có thể rút giấy phép kinh doanh hoặc xử lý hình sự”- ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, thời gian tới, cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên internet, trong đó chú trọng tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp. Nếu không sẽ xảy ra hiện tượng “nhờn” luật, vì mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được.

Đặc biệt, cần làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn giao dịch TMĐT để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.

Theo Lê Nam/Kinh tế & đô thị