Ngày 23/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%
Theo báo cáo, tình hình thế giới trong năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Nêu rõ 6 quan điểm chỉ đạo điều hành, Thủ tướng lưu ý cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nắm chắc thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Báo cáo của Chính phủ xác định Mục tiêu tổng quát năm 2024 là: Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền; nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước..
Báo cáo nêu 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%… Dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.
Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 199 nghìn tỷ đồng
Về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm.
Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, từ sớm, từ xa với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong 9 tháng đã tổ chức 08 phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật; Quốc hội thông qua 08 Luật, 03 Nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến 09 dự án Luật và dự kiến sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật, 01 Nghị quyết, cho ý kiến 07 dự án luật tại Kỳ họp này.
Chính phủ đã ban hành 68 Nghị định, 193 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 26 quyết định quy phạm pháp luật và nhiều quyết định cá biệt.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, đã ban hành Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Trong năm 2023, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các tập thể, cá nhân vi phạm.
Trong đó, tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo thẩm quyền và do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi.
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TTg ngày 20/10/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các tập thể, cá nhân vi phạm.
Trong 9 tháng năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 7,1 nghìn cuộc thanh tra hành chính (giảm 6,2% và ban hành trên 4 nghìn kết luận thanh tra) và gần 147 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 199 nghìn tỷ đồng, 495 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 156 nghìn tỷ đồng, 56 ha đất; ban hành gần 95 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 4,5 nghìn tỷ đồng; xem xét, xử lý hành chính 1.193 tập thể và 4.732 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng.
Theo Hoàng Quỳnh/Tạp chí Việt-Mỹ
Nguồn: https://vietmy.net.vn/doi-song-viet-nam/trong-9-thang-phat-hien-vi-pham-ve-kinh-te-gan-199-nghin-ty-dong-491109.html