QC 1
Thứ 7, ngày 05/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Trước khi ra tòa xét xử, sức khỏe cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thế nào?

Sáng 22/7, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Theo đó, thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP. Hà Nội sẽ làm chủ tọa phiên tòa. 6 kiểm sát viên Viện KSND TP. Hà Nội tham gia phiên tòa.

Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) bị xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tòa dựng rạp phục vụ phiên xét xử ông Trịnh Văn Quyết.

Liên quan đến hành vi phạm tội của Trịnh Văn Quyết, bốn cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM. bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Trần Đắc Sinh (cựu chủ tịch HĐQT), Lê Hải Trà (cựu Tổng Giám đốc, cựu ủy viên HĐQT, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết), Trần Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết) và Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết).

Ba cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị truy tố về tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” gồm: Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng), Dương Văn Thanh (cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) và Phạm Minh Trung (cựu Trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam).

40 bị cáo khác bị xét xử về các tội: “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

TAND TP. Hà Nội xác định, 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án. Hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Đến thời điểm này, có hơn 50 luật sư đăng ký tham gia phiên tòa để bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 3 luật sư bào chữa.

Theo cáo trạng, từ năm 2017 – 2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Em gái ông Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…

Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Như với mã HAI, các bị can đẩy giá từ 3.700 đồng/cổ lên tới 22.500 đồng/cổ trước khi bán tháo, thu lợi bất chính 238 tỷ đồng.

Với cổ phiếu FLC, cơ quan tố tụng xác định các bị can “thổi” từ 3.050 đồng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2020 – 2022, thu lợi bất chính 397 tỷ đồng.

Tổng cộng, cơ quan tố tụng xác định thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Riêng ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết dù không công bố thông tin theo quy định nhưng đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu trong số đó, thu về gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hành vi này bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước “tuýt còi”, hủy giao dịch nên nhà đầu tư “ôm” số cổ phiếu này được trả lại tiền.

Ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng xác định ông Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.

Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên tận 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần.

Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Sức khỏe ông Trịnh Văn Quyết ra sao?

Theo luật sư Vũ Đặng Hải Yến – Công ty Luật TNHH SmiC, người bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, đầu tuần tháng 7 vừa qua, vợ ông Quyết đã nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Bị can Trịnh Văn Quyết.

Như vậy, đến nay ông Trịnh Văn Quyết đã khắc phục được 210 tỷ đồng và gia đình bị cáo vẫn đang nỗ lực khắc phục thêm hậu quả vụ án.

Luật sư Vũ Đặng Hải Yến cũng cho biết, đến thời điểm này đã có hơn 300 văn bản với hơn 4.200 người ký tên xin giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo khác trong vụ án. Những người này là các bị hại, khách hàng, đối tác, nhân viên, dân cư trên địa bàn có dự án của FLC.

Luật sư cho biết thêm, trong số 133 bị hại mua cổ phiếu ban đầu và hiện đang còn giữ cổ phiếu có 88 người đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quyết. Các đơn xin giảm nhẹ này, gia đình đã bàn giao cho luật sư và luật sư đã nộp cho tòa án.

Thông tin về tình trạng sức khỏe của thân chủ, luật sư cho hay, bị cáo Quyết đang điều trị bệnh lao nhưng trạng thái sức khỏe, tinh thần ổn định. Bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nhận thức về các hành vi sai phạm, xin chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc.

Bên cạnh đó, bị cáo Quyết cũng mong cơ quan chức năng áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo là người thân, đồng nghiệp cấp dưới liên quan đến vụ án. Ngoài ra, bị cáo Quyết cũng xin chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng các tài sản thuộc tài sản cá nhân, đồng thời vận động gia đình, bạn bè để nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án trong thời gian sớm nhất.

Theo Tuệ Lâm/Vietnam Finance