TS Cấn Văn Lực cho rằng, mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn. Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích.
Tại toạ đàm “Hợp tác giữa Bảo hiểm – Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ”, chuyên gia tài chính TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia nhận định thị trường bảo hiểm tại Việt Nam còn rất tiềm năng khi quy mô bảo hiểm mới chiếm 1,9% GDP trong khi ở Thái Lan chiếm 3,2%, thế giới chiếm 5,7%…
Tuy vậy, những bất cập của bảo hiểm liên kết với ngân hàng nổi lên trong mấy tháng vừa qua và vấn đề bảo hiểm gần đây lại xảy ra với người nổi tiếng khiến cho “bảo hiểm” trở thành vấn đề được tranh cãi nhiều hơn.
Chia sẻ về những bất cập của bảo hiểm liên kết với ngân hàng nổi lên trong mấy tháng vừa qua, TS Cấn Văn Lực cho biết, Bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ chúng ta khi có hiểm nguy chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời. Khi nhiều người mua, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đủ lượng tiền bồi thường cho những người bị rủi ro. Đây là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm.
Số tiền chưa phải bồi thường cho khách hàng (tiền nhàn rỗi), doanh nghiệp bảo hiểm mang đi đầu tư. Trong năm 2022, Doanh nghiệp Bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, đây là nguồn vốn rất lớn, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế cũng như bảo toàn cho người dân khi tham gia bảo hiểm là đúng.
Kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng trên thế giới đã có từ hơn một thế kỷ qua nhưng phát triển nhanh ở Việt Nam và châu Á. Kênh này chiếm khoảng 35% trong phân phối bảo hiểm của công ty bảo hiểm còn 65% phân phối qua các kênh khác.
Ở Việt Nam tăng khá nhanh, cuối 2022, bảo hiểm liên kết chiếm 33%, đã gần tiếp cận với quốc tế bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Việc hợp tác này sẽ tận dụng mạng lưới của nhau, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kiến thức của nhân viên ngân hàng. Đây là xu thế tương lai và chúng ta cần coi là bình thường.
TS Cấn Văn Lực chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến tướng như vừa qua. Về khách quan, thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng gặp khó trong khi bảo hiểm đem phí đi đầu tư. Cùng với đó, hợp đồng liên kết với khách hàng để đầu tư chiếm đến 85%. Như vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đi chệch hướng.
Thứ hai, pháp luật chưa nghiêm với cả bên bán và bên mua. Bên bán nhắc lại 1,2 lần nhưng khách hàng không đọc kĩ. Rồi khi không thực hiện thì bắt đầu kiện tụng nhau.
Vấn đề chủ quan là chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm chúng ta chưa tốt. Đâu đó cũng bị sức ép về doanh thu, chạy theo doanh số bán hàng. Trong khi đó, kiến thức về bảo hiểm rất phức tạp, ngay cả đối với những người trong nghề cũng không dễ dàng. Hợp đồng bảo hiểm dài quá, lên tới 80-100 trang.
Theo ông Lực, mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn hơn. Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích.
“Tôi nghĩ, hợp đồng bảo hiểm chỉ cần 10-20 trang để người dân mua đọc cũng hiểu”, ông TS Cấn Văn Lực nói.
Theo TS Cấn Văn Lực, sau những vụ việc vừa qua, chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ, cũng như xem lại rà roát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm.
Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần ra soát lại, gia cố lại nhân viên của mình.
Ở Trung Quốc có quy định rõ, chúng ta có thể tham khảo như tư vấn cần người có kinh nghiệm, sau 2-3 năm kinh nghiệm mới được tư vấn khách hàng, hay bảo hiểm cần có quầy bán riêng… Về phía người dân, cần nắm rõ mục đích mình mua bảo hiểm và đọc kĩ hợp đồng.
“Tôi nhấn mạnh, bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác.”, TS Lực khuyến nghị.
TS Lực cho biết thêm, các quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện nay không được ép mua bảo hiểm. Gần đây xuất hiện một số nhân viên bị giao chỉ tiêu, vì ngân hàng, tổ chức tín dụng đó có hợp đồng độc quyền với bên bảo hiểm, mà độc quyền thì phải bổ trợ cho nhau nên mới có chuyện áp lực doanh số.
Tuy nhiên, rõ ràng vấn đề này chỉ là một số ngân hàng mà thôi. Ví dụ, một số hoạt động đặc thù như vay thấu chi với độ rủi ro cao nên chúng ta cần khuyến khích việc phát triển bảo hiểm. Cuối cùng, TS Cấn Văn Lực cho rằng đây là thời điểm chúng ta cần phải sốc lại về thị trường bảo hiểm.
Theo Hồng Giang/Kinh tế chứng khoán
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ts-can-van-luc-hop-dong-bao-hiem-chi-can-10-20-trang-de-nguoi-dan-mua-doc-cung-hieu-178705.html