QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cần phải cân nhắc kỹ việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Việt Nam

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc quy định tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho Agribank được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng bằng 50% so với quy định của các TCTD thông thường. Theo đó, tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc; tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên là 0,5%.

Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này được áp dụng theo Thông tư 14/2018 của NHNN, nhằm thực hiện các biện pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn mà ở đây là Agribank.

Tuy nhiên, thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng NHNN có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối trên diện rộng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế.

Thế nhưng, cũng phải đặt lại câu hỏi rằng, đã đến lúc cần phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay chưa?

Về lý thuyết, tỷ lệ dự trữ bắt buộc quy định tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản. Theo đó, việc hạ tỷ lệ này xuống cũng có nghĩa rằng các ngân hàng có nhiều thanh khoản hơn, cung tiền nhiều hơn, có thêm dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

Song, theo quan điểm của Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng không còn nhiều dư địa để hạ tiếp tỷ lệ 3% hiện tại. Các ngân hàng cần một lượng dự trữ bắt buộc với NHNN để cơ quan này sẵn sàng cho hai mục đích, thứ nhất là điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế và thứ hai là để bảo toàn tính thanh khoản của các nhà băng.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu

Nếu nhìn ngay sang Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này vừa đây đã cắt giảm 0,5 điểm % tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Quyết định này có khả năng “giải phóng” 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng hơn 154 tỷ USD, trong các quỹ dài hạn.

Tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh giảm, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc vẫn sẽ ở mức 8,9%, cao hơn nhiều so với Việt Nam. Hay mặt bằng chung ở các nước láng giềng, như Cambodia, tỷ lệ này là 8%, Indonesia là 3,5%, Philippines là 12%… , theo số liệu từ CentralBankNews.

“Do đó, cần phải cân nhắc kỹ việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Việt Nam”, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đồng ý về mặt tích cực, tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu hạ sẽ tăng thanh khoản cho thị trường, góp phần giảm chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng.

Nhưng sử dụng chính sách này khá nhạy cảm, bởi lực tác động của công cụ sẽ rất mạnh đến thị trường. Trong khi đó, NHNN có thể hỗ trợ thị trường qua các công cụ khác, đặc biệt liên quan đến thị trường mở, cho vay tái cấp vốn.

Theo Linh Đan/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ts-nguyen-tri-hieu-can-phai-can-nhac-ky-viec-ha-ty-le-du-tru-bat-buoc-o-viet-nam-99506.html