Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước (NHNH) cho biết, trong nhiều năm qua ‘hoặc mua, hoặc bán ngoại tệ can thiệp thị trường, rất hiếm năm không phải làm gì’.
Bà Nguyễn Linh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, năm 2024 là năm nhiều thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối.
Nguyên nhân bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách lãi suất cao và dài hơn nhiều so với dự kiến. Dù gần đây kỳ vọng nhiều vào việc Fed hạ lãi suất vào tháng 9 nhưng cũng chưa thể hoàn toàn chắc chắn. Theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh, việc này ảnh hưởng tới luồng vốn.
Trong khi đó, năm ngoái, NHNN liên tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, dẫn tới chênh giữa lãi suất VNĐ và USD duy trì ở mức âm cao, tác động lớn tới tỷ giá và sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
Mặt khác, nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán xuất nhập khẩu trong quá trình kinh tế hồi phục cũng gây áp lực lớn đến tỷ giá.
Bà Phương nêu rõ, trong điều hành vừa qua, NHNN phải nỗ lực để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, trong đó có động thái bán ngoại tệ can thiệp.
“NHNN nhiều năm qua hoặc mua, hoặc bán ngoại tệ can thiệp, rất hiếm năm không phải làm gì. Thị trường ngoại tệ vận động không ngừng với luồng vốn ra, luồng vốn vào. Với tư cách là người mua bán cuối cùng, khi thị trường dư cung, NHNN mua ngoại tệ vào tăng dự trữ ngoại hối và ngược lại.
Bà Phương cho biết các năm qua NHNN đều thực hiện can thiệp mua và bán do thị trường ngoại tệ luôn vận động, dòng vốn thường xuyên ra vào, dự trữ ngoại hối làm nhiệm vụ tương tự như hồ điều hòa.
Tính chuỗi dài nhiều năm liên tục, dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể. So với cuối năm 2015, đến nay dự trữ ngoại hối tăng gần 3 lần. Vừa qua, trước áp lực tỷ giá, NHNN bán ngoại tệ ra đáp ứng nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế, trong đó một phần tương đối lớn là nhu cầu của nhà đầu tư gián tiếp”, bà Phương cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, từ tháng 4 đến nay, hệ thống ngân hàng bán ròng ngoại tệ cho nhà đầu tư gián tiếp khá lớn. Tỷ giá từ tháng 4 đến nay không biến động đáng kể so với các nước khác trong khu vực. So với cuối năm ngoái, tỷ giá chỉ tăng khoảng hơn 4%, trong khi các quốc gia khác mất giá 5 – 7%. “Mức giảm giá của VNĐ là phù hợp”, bà Phương nói.
Đề cập biện pháp can thiệp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, bà Phương nhấn mạnh: “NHNN có các nghiệp vụ điều tiết tiền đồng hợp lý. Hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước có 2 phiên vừa bơm, vừa hút tiền, bơm cho chỗ thiếu và hút chỗ thừa.
Thời gian tới, NHNN vẫn sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ duy trì thông suốt; đảm bảo tỷ giá và lãi suất diễn biến phù hợp, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Với diễn biến gần đây trên thị trường quốc tế, kỳ vọng áp lực trong thời gian tới giảm bớt và khó khăn sắp kết thúc.
Để ghìm cương tỷ giá, trong nửa đầu năm, NHNN đã chủ động hút thanh khoản để giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD và cũng đã bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, giảm áp lực tỷ giá. Bên cạnh đó, NHNN cũng cố gắng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thông qua đấu giá, bán vàng ra thị trường…
Đáng chú ý, từ ngày 19/4, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp thị trường với giá bằng với giá bán ra niêm yết tại Sở Giao dịch NHNN.
Theo ước tính của Chứng khoán KB Việt Nam, NHNN đã bán khoảng 6 tỷ USD để can thiệp, hạ nhiệt tỷ giá tính đến 26/6.
Các chuyên gia đánh giá tỷ giá hiện đã ổn định sau hàng loạt các biện pháp của NHNN. Tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm.