QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tỷ phú toàn cầu tiếp tục ‘đại thắng’ trong năm khó khăn

Năm 2020, tài sản của giới siêu giàu đã tăng thêm khoảng 1.900 tỷ USD. Năm 2021, giới siêu giàu lại “thắng” tiếp khi tài sản của hơn 2.600 tỷ phú tăng thêm 1.600 tỷ USD, dù dịch bệnh vẫn phức tạp.

Tỷ phú toàn cầu tiếp tục 'đại thắng' trong năm khó khăn
Tỷ phú Elon Musk hiện sở hữu 266 tỷ USD và nắm giữ vị trí giàu nhất thế giới trong nhiều tháng qua.
Tỷ phú Mỹ dẫn đầu đà tăng

Theo thống kê của Forbes, tính đến ngày 3/12, tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới được ước tính khoảng 13.600 tỷ USD, trong khi con số này hồi đầu năm chỉ là 12.000 tỷ USD. Nhóm tỷ phú Mỹ ghi nhận tài sản tăng mạnh nhất nhờ hưởng lợi lớn từ thị trường chứng khoán. Trong năm 2021, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã tăng lần lượt 21% và 50%. Với việc tăng thêm 945 tỷ USD, tổng tài sản của các tỷ phú Mỹ trong năm 2021 ước tính khoảng 5.000 tỷ USD.

Một phần đáng kể của sự tăng trưởng đó đến từ CEO Tesla, ông Elon Musk, người “thắng đậm” nhất trong cả năm ngoái và năm nay. Theo đó, tài sản của vị tỷ phú này đã tăng thêm 110 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay nhờ cổ phiếu Tesla tăng 44% và định giá SpaceX tăng vọt. Giá trị tài sản ròng của tỷ phú Elon Musk thậm chí đã có lúc cán mốc 340 tỷ USD vào đầu tháng 11, giúp ông trở thành người giàu nhất lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, ngay sau đó khối tài sản khổng lồ này đã nhanh chóng sụt giảm. Elon Musk hiện sở hữu 266 tỷ USD và nắm giữ vị trí giàu nhất thế giới trong nhiều tháng qua.

Nhiều tỷ phú Mỹ khác cũng có một năm ăn nên làm ra. Tiêu biểu là: nhà đồng sáng lập Google Larry Page (có thêm 44 tỷ USD) và Sergey Brin (thêm 42 tỷ USD), nhờ cổ phiếu Alphabet tăng 62%; Larry Ellison (thêm 32 tỷ USD) khi cổ phiếu Oracle tăng 36% trong năm nay; cựu CEO của Microsoft Steve Ballmer (thêm 27 tỷ USD) khi cổ phiếu tập đoàn công nghệ này tăng thêm 45%.

Xếp sau Mỹ là các tỷ phú Ấn Độ khi ghi nhận tổng tài sản tăng thêm 210 tỷ USD trong năm 2021. Nhờ sự lạc quan của các nhà đầu tư, chỉ số BSE SENSEX của nước này đã tăng đến 21% trong năm 2021, đây là nhân tố chính giúp các tỷ phú Ấn Độ có một năm bội thu. Tỷ phú Gautam Adani, nhà sáng lập Adani Group – tập đoàn than nhiệt lớn nhất Ấn Độ và Mukesh Ambani, chủ tịch Reliance – tập đoàn tư nhân lớn nhất Ấn Độ, nằm trong danh sách Fortune 500, đã có màn tranh đua kịch tính vị trí giàu nhất châu Á trong năm qua. Hiện Mukesh Ambani và Gautam Adani lần lượt sở hữu khối tài sản 89,5 tỷ USD và 81,9 tỷ USD. Với việc tăng thêm 210 tỷ USD, tổng tài sản của các tỷ phú Ấn Độ trong năm 2021 ước tính khoảng 730 tỷ USD.

Đứng ở vị trí thứ 3 là các tỷ phú của Nga khi tổng tài sản tăng thêm 145 tỷ USD, lên 630 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, hai tỷ phú chứng kiến tài sản tăng mạnh nhất là Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram – ứng dụng tin nhắn bảo mật nhất thế giới và Tatyana Bakalchuk, nhà sáng lập hãng bán lẻ thương mại điện tử Wildberries. Theo tính toán của Forbes, khối tài sản của bà Bakalchuk đã tăng hơn 1.000% trong năm nay.

Tỷ phú Trung Quốc ‘‘phú quý giật lùi’’

Nếu trong năm 2020, các tỷ phú Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng tài sản với mức tăng 60% thì năm nay, quốc gia tỷ dân này lại tụt xuống vị trí thứ 4. Theo Forbes, tổng tài sản các tỷ phú của Trung Quốc trong năm 2021 chỉ tăng thêm 80 tỷ USD, tức khoảng 4%, lên 2.300 tỷ USD. Nguyên nhân là chính quyền Bắc Kinh trong năm vừa qua có nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn. Ngoài ra, thị trường bất động sản lao dốc cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Cập nhật của Forbes cho thấy trong 10 tỷ phú “mất mát” nhiều nhất trong năm nay có tới 6 tỷ phú là người Trung Quốc. Cụ thể, những tỷ phú chứng kiến tài sản giảm mạnh nhất bao gồm Mã Vân (Jack Ma) mất 21,4 tỷ USD, Hoàng Tranh (Colin Huang) mất 40,2 tỷ USD, Mã Hóa Đằng (Pony Ma) mất 20,5 tỷ USD. Các tài phiệt bất động sản Trung Quốc cũng mất tổng cộng hơn 46 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, nhà sáng lập China Evergrande Group Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) là người chứng kiến tài sản “bay hơi” nhanh nhất, lên tới 18 tỷ USD

Nhiều “ông lớn” công nghệ Trung Quốc tỏ ra không mấy lạc quan về kết quả kinh doanh trong năm tới. Cụ thể, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba do tỷ phú Mã Vân sáng lập mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm tài chính 2022 từ 29,5% hồi tháng 5 xuống mức 20% – 23%, tốc độ chậm nhất kể từ khi ra mắt thị trường chứng khoán năm 2014. Cổ phiếu của Alibaba niêm yết tại sàn New York đã bốc hơi 11% sau công bố này.

Tương tự, hãng giao đồ ăn Meituan của tỷ phú Vương Hưng cũng đã hạ thấp triển vọng đối với mảng giao đồ ăn và báo cáo khoản lỗ ngày càng lớn sau án phạt 3,44 tỷ NDT (532 triệu USD) vì vi phạm độc quyền hồi tháng 10. Tencent của tỷ phú giàu thứ 3 Trung Quốc, Mã Hóa Đằng, mới đây cũng đã công bố tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ khi tập đoàn này lên sàn chứng khoán Hong Kong năm 2004. Tập đoàn cũng cảnh báo lĩnh vực quảng cáo trực tuyến sẽ kém khả quan hơn trong năm tới khi Bắc Kinh kiểm soát chặt các doanh nghiệp giáo dục và bất động sản vốn từng chi rất nhiều cho quảng cáo.

Hiện các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã chi không tiếc tay cho các hoạt động từ thiện và các dự án xã hội nhằm tìm cách xoa dịu cơ quan quản lý. Hãng tin SCMP còn dẫn số liệu cho thấy từ tháng 1 – 8 năm nay, 5 trong số các tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã cam kết đóng góp tổng cộng hơn 83 tỷ NDT từ tài sản cá nhân hoặc công ty cho các tổ chức từ thiện hoặc sáng kiến liên quan.

Alibaba hồi tháng 8 cam kết dành khoảng 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) từ nay cho tới năm 2025 để ủng hộ sáng kiến “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, “gã khổng lồ” công nghệ Tencent cho biết họ đã tạo ra một quỹ trị giá 50 tỷ NDT (khoảng 7,7 tỷ USD) để đáp lại lời kêu gọi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mục tiêu “thịnh vượng chung”. Như vậy, trong vòng 4 tháng qua, Tencent đã chi ra tổng cộng 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) cho các hoạt động công ích.

Theo Minh Đăng/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ty-phu-toan-cau-tiep-tuc-dai-thang-trong-nam-kho-khan-20180504224263242.htm