QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

Sáng ngày 23-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), phối hợp cùng Tổng hội NN&PTNT Việt Nam chủ trì hội thảo “Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) trong nâng cao sản xuất nông nghiệp”.

Quang cảnh buổi hội thảo “Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) trong nâng cao sản xuất nông nghiệp”.

Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, cũng như doanh nghiệp, nông dân vì những ưu thế, lợi ích mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.

Ngày 26-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về việc Ban hành chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, phục vụ việc truy xuất, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho rằng: “Trên cơ sở nhận thức đầy đủ, thay đổi tư duy, ngành nông nghiệp cần kịp thời có kế hoạch cụ thể thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt”.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, xu hướng số đang chuyển dịch cả nền kinh tế, trong đó, người tiêu dùng thông minh quan tâm nhiều đến sức khỏe, sự minh bạch và giá trị xã hội. Theo ông Toản, điểm nghẽn của chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam hiện nay là vấn đề quản lý, điều hành, ứng dụng số của ngành chưa toàn diện, hạ tầng thiết bị thiếu đồng bộ, phân tán, chưa xây dựng được kiến trúc, dữ liệu ngành.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thay đổi khí hậu, giá cả nguyên liệu tăng cao và cạnh tranh trong thị trường toàn cầu…, người nông dân cũng là đối tượng chính cần được quan tâm, hỗ trợ tiếp cận và sử dụng những công nghệ mới.

Theo PV/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-hoat-dong-san-xuat-nong-nghiep-post131696.html