QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

VDSC: ACB có thể sẽ có thêm 1.900 tỷ đồng nợ xấu trong quý IV

Theo VDSC, ACB sẽ tăng mạnh chi phí tín dụng nhằm hoàn thành sớm trích lập dự phòng cho dư nợ tái cơ cấu trong năm 2021. Ngân hàng đã trích lập khoảng 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương mức dự phòng 100% nợ cơ cấu theo quy định của Thông tư 03.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Theo báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có thể sẽ có thêm 1.900 tỷ đồng nợ xấu trong quý IV năm nay nếu tỷ lệ nhảy nhóm của nợ nhóm 2 tiếp tục duy trì. Đây là mức cao nhất kể từ quý II/2019.

Trong quý III, tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng lên 0,8%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 198% và dư nợ tái cơ cấu tăng lên hơn 13.400 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu chiếm 5,5% tổng dư nợ vào cuối quý III, cao hơn 0,22 điểm % so với quý II. Do đó, chi phí dự phòng tăng 406% so với cùng kỳ.

Theo VDSC, ACB sẽ tăng mạnh chi phí tín dụng nhằm hoàn thành sớm trích lập dự phòng cho dư nợ tái cơ cấu trong năm 2021. Ngân hàng đã trích lập khoảng 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương mức dự phòng 100% nợ cơ cấu theo quy định của Thông tư 03.

Chuyên gia của VDSC ước tính chi phí tín dụng của ngân hàng trong năm 2021 khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm khoảng 2.500 tỷ đồng chi phí dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 03. Con số này sẽ giảm về 1.800 tỷ đồng vào năm 2022.

Ngoài áp lực về chi phí tín dụng, NIM co hẹp, cơ sở tín dụng tăng trưởng yếu làm giảm tốc ở thu nhập lãi thuần và các chương trình cắt giảm lãi suất cũng tạo áp lực lên lợi nhuận của ngân hàng trong ngắn hạn.

VDSC cho rằng áp lực lên lợi nhuận sẽ còn duy trì trong quý cuối năm. Do đó, lợi nhuận trước thuế dự báo được điều chỉnh giảm xuống 12.400 tỷ đồng trong năm 2021 và 15.500 tỷ đồng trong năm 2022, tương ứng tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là 29% và 26%.

Nguồn: VDSC, ACB

Ngoài ra, ACB dự kiến sẽ sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm 2021 là 13,5%. Nhóm chuyên gia nhận định hạn mức tăng trưởng tín dụng này thấp hơn những năm trước và sẽ xấp xỉ với mức tăng trưởng trung bình ngành năm nay.

Về cơ sở huy động, VDSC cho rằng ngân hàng sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5 – 6% cả năm. Do đó, tăng trưởng huy động tiền gửi năm 2021 được dự báo ở mức 6%. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 dự kiến ở mức 14%, bằng với mức tăng trưởng huy động cùng năm.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch sáng ngày 2/11, giá cổ phiếu ACB giảm nhẹ 0,3% về mức 32.600d/cp. Khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 5,5 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu ACB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Theo Lưu Lâm/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vdsc-acb-co-the-se-co-them-1900-ty-dong-no-xau-trong-quy-iv-104797.html