QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

VDSC: Tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank có thể giảm tốc trong năm 2023

Trong báo cáo cập nhật mới đây về Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank có thể bị chững lại trong năm 2023…

NIM của ngân hàng dự báo sẽ giảm khoảng 0,03 điểm % do lợi suất tài sản có thể không tăng nhiều như chi phí huy động vốn. Cùng với tăng trưởng tín dụng 11%, các chuyên gia kỳ vọng thu nhập lãi thuần sẽ tăng 11% so với cùng kỳ.

Bancassurance sẽ tiếp tục thúc đẩy thu nhập dịch vụ (tăng 12% so với cùng kỳ) nhưng thu nhập từ thu hồi nợ có thể giảm trong năm khó khăn này và thu nhập từ giao dịch ngoại hối có thể không duy trì ở mức cao như năm 2022, dẫn đến thu nhập ngoài lãi giảm 2%. Do đó, tổng thu nhập hoạt động dự báo sẽ tăng 8% so với cùng kỳ.

Cũng theo VDSC, trong vài năm trở lại đây, ngân hàng đã từng bước nâng cao chất lượng tài sản và bộ đệm dự phòng nên áp lực về chi phí rủi ro trong năm 2023 sẽ ít hơn so với giai đoạn khó khăn trước đó.

Hơn nữa, cùng với dư địa tăng trưởng thu nhập phí tiềm năng trong trung hạn và NIM cải thiện đều đặn nhờ chuyển dịch sang mảng bán lẻ, chuyên gia kỳ vọng VietinBank sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế dự báo cho năm 2023-2024 lần lượt là 23.600 tỷ đồng (tăng 12%) và 29.684 tỷ đồng (tăng 26%).

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)

Về kết quả kinh doanh năm 2022, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 21.113 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các Big4 đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 cho đến nay (Vietcombank, BIDV), tăng 20% so với năm trước.

Theo giải trình từ Vietinbank, lãi thuần từ hoạt động khác của ngân hàng tăng đột biến trong năm chủ yếu do việc đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ.

Trong năm 2022, ngân hàng tiếp tục tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro thêm 5.781 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm trước. Đây cũng có thể là nguồn “dự trữ” lợi nhuận cho các năm tiếp theo khi các khoản nợ xấu được thu hồi.

Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của VietinBank tăng 18,1% đạt 1,8 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 12,7% đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 7,5% đạt gần 1,25 triệu tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng VietinBank tăng hơn 10% đạt 15.796 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu nội bảng (tỷ lệ nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) lại giảm nhẹ từ 1,26% cuối năm trước về 1,24%.

Ngành ngân hàng đối mặt với 03 thách thức lớn

NIM suy giảm

Năm 2023, giới phân tích cho rằng biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới do lãi suất huy động ở mức cao.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ.

NIM khả năng cao vẫn suy giảm trong nửa đầu năm 2023 do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.

Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Dưới góc nhìn của FiinGroup, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, tỷ suất tài sản sinh lời có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 – 6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong một đến hai quý tới, tạo áp lực lên việc duy trì NIM ở mức như hiện nay.

Các chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset ước tính NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết đạt 3,63%, tăng 0,25 điểm % so với cùng kỳ nhờ tăng tỷ trọng bán lẻ trong danh mục tín dụng tại hầu hết ngân hàng.

Đồng thời cho rằng NIM có khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 khi chất lượng tài sản suy giảm dẫn đến thu nhập từ lãi không ổn định, chi phí huy động cao hơn do yêu cầu tuân thủ các chỉ tiêu thanh khoản của hệ thống và CASA kém tích cực.

Rủi ro nợ xấu

Báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset cũng chỉ ra xu hướng nợ xấu nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2023. Theo đó, lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu.

Dự báo về tỷ lệ nợ xấu năm 2023, SSI Research nhận định tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng 0,26 điểm %, lên 1,71% tại các ngân hàng niêm yết, với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 1,3% (từ khoảng 1% trong giai đoạn 2020-2022) dưới tác động của lãi suất cho vay cao hơn.

FiinGroup nhận định rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu BĐS. Việc cho phép tái cơ cấu dư nợ trái phiếu bất động sản hiện đang trao đổi tại dự thảo Nghị định 65 cũng là thách thức nếu không sớm được thực thi.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực BĐS ở mức cao sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng, làm xói mòn lợi nhuận. theo nhận định của FiinGroup.

Tác động từ thị trường bất động sản

Chuyên gia phân tích cho rằng các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao (từ cho vay, trái phiếu) sẽ đối mặt áp lực trích lập dự phòng cao hơn những ngân hàng thuần bán lẻ.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Mirae Asset cũng chỉ ra rằng khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư bất động sản có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà. Nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.

Tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư bất động sản, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư bất động sản, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.

Theo Thiên Ân/Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vdsc-tang-truong-loi-nhuan-cua-vietinbank-co-the-giam-toc-trong-nam-2023-173101.html