QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Về một “đế chế” Trần Bắc Hà ở BIDV

Dù hai lần vướng tin đồn bị bắt giữ, nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà vẫn bình yên vô sự, chèo lái ngân hàng qua cơn khủng hoảng của hệ thống tài chính Việt Nam. Từ lúc ông Bắc Hà nghỉ hưu, BIDV “để lộ” ra hiện trạng nợ xấu, làm ăn sa sút, nhiều sai phạm… khiến người ở lại vẫn nặng mối lo.

“Ông trùm tài chính” Trần Bắc Hà đối mặt với án kỷ luật vì sai phạm điều hành trong quá khứ

 Với 35 năm công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Trần Bắc Hà được đánh giá là người đàn ông quyền lực nhất giới tài chính – ngân hàng, được ví như “ông trùm tài chính”. Song di sản dưới “đế chế” của ông Bắc Hà tại BIDV cũng khó kể xiết, cả công lẫn tội.

Sau khi nghỉ hưu vào đầu tháng 9/2016, mọi thông tin về “người đàn ông quyền lực” Trần Bắc Hà như ông đi đâu? Có tham gia làm doanh nghiệp không? Sức khoẻ ông Hà ra sao… đều được giữ kín, báo chí rất khó tiếp cận, tìm kiếm. Dường như ông Hà đã “biến mất” hoàn toàn khỏi thị trường tài chính.

Trong suốt 2 năm “vắng bóng” ông Bắc Hà, hoạt động kinh doanh của BIDV cũng dường như “trùng” lại, không có những sự kiện đình đám, không có biến động nhân sự cấp cao… Thậm chí ghế nóng Chủ tịch vẫn bỏ trống khá lâu dù với ngành ngân hàng, không có Chủ tịch HĐQT được ví như “rắn mất đầu”, rất khó quyết định những quyết sách chiến lược quan trọng.

Điều thị trường chú ý là tình hình kinh doanh của BIDV sa sút lợi nhuận, khối nợ xấu chồng chất tăng vọt. Cuối năm 2014, nợ xấu tại VAMC của BIDV chỉ là 7.152 tỷ đồng và 9.056 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, nhưng đến cuối 2016, nợ xấu tại VAMC của BIDV lên tới 21.131 tỷ đồng và nợ xấu nội bảng “phình” lên 14.428 tỷ đồng.

Gần đây, ông Trần Bắc Hà lại khiến thị trường “dậy sóng” khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, chỉ ra nhiều vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV dưới thời điều hành của ông Bắc Hà. Đáng chú ý, Uỷ ban kiểm tra Trung ương kết luận: “ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020”.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng, một vị Chủ tịch của BIDV – 1 trong 3 ngân hàng gốc quốc doanh lớn nhất Việt Nam bị kết luật vi phạm về mặt Đảng và điều hành ngân hàng. Cụ thể: ông Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Ông Bắc Hà còn vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến đại án sai phạm Phạm Công Danh xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng – VNCB (nay là CB Bank).

Còn nhớ trong giai đoạn 2011-2016, hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam đã từng “chao đảo” khi phát lộ hàng loạt vấn đề như căng thẳng thanh khoản, lãi suất vượt trần, cho vay sai phạm, nợ xấu rất lớn, thị trường vàng điên loạn… Vấn đề sở hữu chéo, nhóm lợi ích thao túng ngân hàng cũng được đem ra nghị trường Quốc hội và yêu cầu xử lý gay gắt, sau đó hệ thống ngân hàng buộc phải tiến hành “Đại phẫu” để giải quyết các vấn đề nóng trước nguy cơ phá sản, đổ vỡ chuỗi…

Thế nhưng, nhóm lợi ích ấy cụ thể là “nhóm nào”, “những cá nhân quyền lực nào”, thì khi ấy và đến thời điểm này vẫn chưa hề được công bố, định danh. Dù những hậu quả để lại của một quá khứ điều hành các nhà băng là thật sự khủng khiếp. Đó là hàng loạt các đại án sai phạm ngân hàng lớn như Bầu Kiên và ACB, Hà Văn Thắm và Ocean Bank, Phạm Công Danh và VNCB, Huyền Như và Vietinbank… Trong các vụ án lớn, dù ít hay nhiều thì cũng có phần liên quan tới dòng tiền và giao dịch qua BIDV.

 Năm 2013 ông Bắc Hà vướng tin đồn bị bắt giữ khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh 

Đặc biệt, trong đại án VNCB, BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng từ những hồ sơ khống được “vẽ” ra bởi nhóm Phạm Công Danh, Chủ tịch VNCB và đồng thời Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh (mua cổ phần sở hữu VNCB). Điều này đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng và 3 cán bộ của Chi nhánh BIDV Gia Định đã bị khởi tố, phục vụ điều tra về các sai phạm liên quan…

Theo thông tin từ phiên toà xét xử, năm 2013, Phạm Công Danh cần vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank nhằm tất toán hơn 1.600 tỷ đồng cho BIDV Chi nhánh sở giao dịch 2 và BIDV Chi nhánh Hải Vân. Trước đó, ngày 27/2/2012, Phạm Công Danh có giấy đề nghị vay 2.000 tỷ đồng gửi BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 (quận 1), thế chấp bằng 5 lô đất tại dự án Khu phức hợp TM&DV cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng). BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 đã phê duyệt cho vay 1.700 đồng, sau đó đến ngày 15/3/2012, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV ra quyết định phê duyệt cho vay hỗ trợ tài chính tạm thời đối với dự án nói trên.

Đến 6/4/2012, ông Đoàn Ánh Sáng, Giám đốc BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 ký hợp đồng tín dụng cho Phạm Công Danh vay số tiền 1.700 tỷ đồng và hạn vay đến cuối năm 2012. BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 đã phê duyệt và giải ngân số tiền vay 1.700 tỷ đồng.

Đến ngày 6/8/2018, sau thời gian xét xử, Toà án đã tuyên án bị cáo Phạm Công Danh chịu mức án 30 năm tù; ông Trầm Bê lĩnh án 4 năm tù, Phan Thành Mai lĩnh án 30 năm tù; Phan Huy Khang 3 năm tù…

Đồng thời, liên quan tới trách nhiệm dân sự, BIDV chi nhánh Sở giao dịch 2 phải hoàn trả cho CBBank số tiền 1.176 tỷ đồng được xem là vật chứng vụ án liên quan đến hành vi của Phạm Công Danh trong việc cố ý làm trái tại Sacombank. BIDV chi nhánh hải Vân hoàn trả 457 tỷ đồng.

Số tiền 1.633 tỷ đồng mà BIDV phải hoàn trả này chính là thiệt hại lớn cho BIDV và cổ đông Nhà nước sở hữu 95,28% ngân hàng. Cho đến giờ việc xử lý, khắc phục hậu quả những thiệt hại do sai phạm trong quản lý, điều hành của ông Trần Bắc Hà cùng các thành viên HĐQT BIDV vẫn còn bỏ ngỏ?

Ở các đại án lớn như ACB, Vietinbank, OceanBank, GPBank… Chủ tịch HĐQT cùng cả dàn lãnh đạo cấp cao đã phải lĩnh bản án nghiêm khắc, như ông Trùm Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm chịu án tù 30 năm.

Vậy đối với đại án VNCB, những người đại diện vốn Nhà nước như ông Trần Bắc Hà đã vi phạm quy định pháp luật, quản lý vốn để xảy ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng thì bản án công lý nào sẽ được thực thi?

Theo Hải Hà/Tạp chí Việt Mỹ