QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

VEA muốn niêm yết trên HoSE sau 1 năm “ra mắt” ấn tượng tại UpCoM

Vào ngày 30/6 tới đây, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp – CTCP (VEAM – UpCoM – Mã chứng khoán: VEA) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2019. Một trong những nội dung quan trọng được HĐQT VEAM trình ĐHCĐ thông qua là đưa toàn bộ 1.328.800.000 cổ phiếu VEA lên niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) ngay trong năm 2019.  
Bộ Công Thương kết luận, nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ

Trước đó, VEAM đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ tháng 7/2018 với giá chào sàn 27.600 đồng/cổ phiếu. Dù chịu chút “sóng gió” thời điểm mới lên sàn khi cổ phiếu có lúc giảm xuống dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó VEA đã có chuỗi ngày tăng điểm ấn tượng, có thời điểm vọt lên đến 60.000 đồng/cổ phiếu và hiện giao dịch ở mức 58.200 đồng/cổ phiếu, hơn gấp đôi thời điểm chào sàn gần 1 năm trước.

Kết quả kinh doanh 2018 và mục tiêu năm 2019

Theo kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất năm 2018 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đạt 7.070 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.047 tỷ đồng, trong đó có 6.852 tỷ đồng lãi ghi nhận từ các công ty liên doanh liên kết. Số liệu trên BCTC năm 2018 của VEAM không so sánh tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2017 do năm 2017 được tính từ 24/1 đến 31/12.

Năm 2018, hầu hết các sản phẩm đều có lượng tiêu thụ giảm mạnh so với năm 2017. Cụ thể, lượng tiêu thụ máy kéo trong nước đạt 5.340 chiếc, giảm 42% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ máy xay xát, máy phát điện, động cơ các loại cũng giảm sâu. Chỉ có lượng tiêu thụ máy giặt tăng 57% và hộp số các loại tăng 16%.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu, lượng máy kéo xuất khẩu giảm 53%, còn 692 chiếc, máy xay xát giảm 18%. Chỉ có sản lượng xuất khẩu máy bơm nước tăng 3% so với cùng kỳ.

Trong năm 2019, công ty mẹ VEAM đặt mục tiêu đạt 2.398 tỷ đồng doanh thu, giảm 18% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.402 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu tài chính ước đạt 7.243 tỷ đồng.

Theo dự báo tình hình năm 2019, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có khả năng tăng trưởng cao do cả yếu tố thị trường và đầu tư nâng cao năng lực đáp ứng. Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp tiếp tục khó khăn khi công ty mẹ chưa có phương án đột phá…

Theo báo cáo từ lãnh đạo công ty, doanh thu tài chính năm 2019 dự kiến ở mức khá cao do cổ tức, lợi nhuận được chia từ kết quả hoạt động năm 2018 của các khoản đầu tư dài hạn.

Công bố Kết luận thanh tra các sai phạm tại VEAM

Một diễn biến khác, vào ngày 16/5/2019, tại trụ sở Tổng Công ty máy động lực và Máy nông nghiệp – CTCP (VEAM), Bộ Công Thương đã công bố Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại doanh nghiệp này.

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, nhưng thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda…) mang lại.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.

Cụ thể, “đơn vị này có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của Nhà nước”- đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Trước tình hình nêu trên, Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung Kết luận Thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tiếp tục chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Trước đó, ngày 10/12/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định. Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Những lùm xùm về quản lý, điều hành VEAM đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Vào ngày 29/3/2019, ông Bùi Quang Chuyện- Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEAM đã ký Nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà – thành viên HĐQT VEAM.

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc bãi nhiệm này, HĐQT VEAM đánh giá, ông Trần Ngọc Hà với vai trò là Tổng Giám đốc đã vi phạm các quy định về quản lý tài chính và điều lệ của doanh nghiệp này.

Trước đó, ông Ngô Văn Tuyển, người được bổ nhiệm giữ quyền Tổng Giám đốc VEAM cũng bị tố cáo đã có một số vi phạm như bổ nhiệm nhân sự trái Nghị quyết của Đảng ủy và ra nước ngoài khi chưa được phép của Bộ Công Thương.

Theo Nguyễn Thanh/Thời báo chứng khoán