QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao 90% startup trên thế giới thất bại từ trứng nước?

Theo ước tính từ các chuyên gia, có đến 90% startup trên toàn thế giới thất bại từ trứng nước, hoặc mất rất nhiều thời gian để đi qua giai đoạn đầu.

Có đến 90% startup trên toàn thế giới thất bại từ trứng nước.

“Chết yểu” vì thiếu hụt về nguồn lực công nghệ

Để giúp cải thiện tỷ lệ này, lĩnh vực startup công nghệ thông tin tại Việt Nam trong 10 năm qua đã ghi nhận nhiều mô hình hỗ trợ cho startup ở giai đoạn sớm (giai đoạn khởi tạo từ ý tưởng đến sản phẩm khả dụng tối thiểu – MVP). Phổ biến trong số đó là các chương trình ươm tạo hay tăng tốc do một tổ chức chuyên nghiệp thực hiện.

Các chương trình này thường kéo dài trong 6 tháng với hình thức đào tạo, cố vấn phi tập trung, trực tiếp đầu tư bằng tiền hoặc hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư để gọi vốn… Mỗi mô hình đều có tính ưu việt riêng, tuy nhiên vẫn còn một khoảng trống lớn chưa được lấp đầy, đó là sự thiếu hụt về nguồn lực công nghệ trong suốt quá trình khởi tạo của một startup, đặc biệt là startup có mô hình kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Công nghệ thông tin Sun Asterisk Việt Nam đã tiến hành một khảo sát nhỏ về vấn đề nguồn lực công nghệ của các startup công nghệ thông tin.

Kết quả là trong số gần 30 startup ở giai đoạn sớm được hỏi, 100% startup cho biết họ đều gặp khó khăn về vấn đề nguồn lực phát triển sản phẩm công nghệ, 95% đã hoặc sẵn sàng chi từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để có nhân sự kỹ thuật làm việc trong 3 – 6 tháng tùy trường hợp.

Tuy nhiên, họ lại gặp phải khó khăn lớn là thiếu vốn hoặc nguồn lực đi thuê không đáp ứng được yêu cầu linh hoạt của quá trình phát triển sản phẩm của một startup; năng lực chuyên môn của nhân sự thuê ngoài còn hạn chế trong khi công nghệ đòi hỏi cập nhật liên tục và gắn liền với chiến lược phát triển sản phẩm và bài toán chi phí của startup…

Một cách phổ biến nữa là các startup này sẽ đi tìm đồng sáng lập có chuyên môn về công nghệ và chia sẻ cổ phần. Nhưng thực tế cho thấy, quá trình này cũng vô cùng gian nan do khó tìm người có sự tương đồng về tư duy, chí hướng và cam kết được về thời gian hay nguồn lực đường dài.

Cuối cùng, sản phẩm làm ra không được chào đón như kỳ vọng, startup hoặc thất bại hoặc sống lay lắt, bỏ đi thì tiếc vì đã đổ quá nhiều thời gian, tiền bạc và tâm huyết vào đó.

Mô hình ươm tạo “thửa” riêng cho startup công nghệ thông tin

Trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, những mô hình khởi tạo startup đang là điểm sáng cho bức tranh khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Chương trình ươm tạo với sự tham gia của doanh nghiệp công nghệ thông tin, các tổ chức ươm tạo chuyên nghiệp và các nhà đầu tư giai đoạn sớm hứa hẹn mang lại cơ hội cho các startup công nghệ.

Chương trình khởi tạo startup với sự liên kết của 3 bên, gồm: doanh nghiệp công nghệ thông tin – các tổ chức ươm tạo chuyên nghiệp – các nhà đầu tư giai đoạn sớm.

Mô hình này được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm làm việc với các startup giai đoạn sớm, các chuyên gia thực chiến, sự kết hợp thế mạnh của 3 nguồn lực, gồm: nguồn lực về chuyên gia ươm tạo với khoa học khởi nghiệp bài bản; nguồn lực công nghệ và nguồn lực về tài chính và kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp công nghệ.

Điểm ưu việt nhất của sự kết hợp này là cả 3 nguồn lực đều xoay quanh các kiến thức và kinh nghiệm thực chiến về công nghệ. Trong đó, nguồn lực lớn nhất là các chuyên gia về công nghệ sẵn có tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ giúp các startup đi nhanh hơn, chắc hơn, không cần quá bài bài như một chương trình đào tạo lý thuyết đơn thuần nhưng là bù đắp được đúng chỗ cần, chỗ thiếu của startup.

Một trong những đơn vị tiên phong của mô hình này là Sun* Startups được thành lập vào năm 2018, tập trung vào lĩnh vực khởi tạo các startup ứng dụng công nghệ thông tin.

Năm 2020, mô hình này được thử nghiệm lần đầu tiên tại Sun* Startups với tên gọi “Batch 1 – khởi tạo Startup”. Kết quả trong số 6 startup giai đoạn ý tưởng (ideation) tham gia chương trình, có 5 startup tiếp tục phát triển, cho ra đời sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) thành công và đang bước vào giai đoạn thử nghiệm thị trường. 

Một điểm ưu việt nữa của mô hình khởi tạo này là đơn vị thực hiện chương trình sẽ tham gia với startup như một đồng sáng lập, theo đó, trong 6 tháng này, tất cả thành viên sẽ làm việc như một đội trong từng bước phát triển của “công ty tương lai”. Startup thay vì phải tìm kiếm một đồng sáng lập ở từng chuyên môn khác nhau thì sẽ có một “đội ngũ” đồng sáng lập với các chuyên gia ở nhiều chuyên môn khác nhau làm việc cùng lúc.

Với mô hình khởi tạo này, startup sẽ được xem xét toàn bộ các vấn đề về thị trường, khách hàng, mô hình kinh doanh, giải pháp, sản phẩm, bán hàng, tiếp thị… với chuyên gia thực chiến để đi từ phiên bản A đến phiên bản A’ với các dữ liệu đáng tin cậy hơn cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trong năm 2021, Sun* Startups cho biết sẽ mở rộng quy mô, thực hiện cùng lúc Batch 2 và Batch 3. Trong đó, Batch 2 dành cho các startup giai đoạn ý tưởng (chưa có MVP) và Batch 3 dành cho các startup giai đoạn MVP (đang phát triển hoặc đã có MVP).

Chương trình khởi tạo Batch 2 và Batch 3 được hoàn thiện với sự kết hợp giữa Sun* Startups – ThinkZone – Songhan Incubator và VINASA (Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam).

Cụ thể, Sun* Startups xây dựng chương trình khởi tạo riêng cho từng Batch, cung cấp văn phòng, đội ngũ cố vấn thực chiến về công nghệ, phát triển sản phẩm, marketing và khoa học khởi nghiệp. Các chuyên gia này sẽ làm việc trực tiếp với startup hàng ngày trong thời gian liên tục 3 tháng tập trung và định kỳ trong 3 tháng phi tập trung.

Trong quá trình đó, ThinkZone hỗ trợ cử chuyên gia và startup chia sẻ kinh nghiệm từ các chương trình ươm tạo của ThinkZone; VINASA hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư giai đoạn sớm trong mạng lưới Câu lạc bộ Nhà đầu tư công nghệ (VDI) của VINASA đồng thời là các nhà sáng lập hay giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn tại Việt Nam hiện nay.

Cùng lúc đó, Songhan Incubator – tổ chức ươm tạo tư nhân đầu tiên tại Việt Nam với hơn 5 năm kinh nghiệm sẽ hỗ trợ tư vấn thử nghiệm thị trường cho các startup đã sẵn sàng với MVP.

Theo Ngọc Lưu/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/vi-sao-90-startup-tren-the-gioi-that-bai-tu-trung-nuoc-20180504224251460.htm